Trong khi những khó khăn về vốn, nguyên liệu…chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp thủy sản lại đang “hoa mắt” với các loại phí kiểm soát chất lượng.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Hùng Vương, cho rằng gánh nặng của hàng loạt các loại phí đang gây áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp (DN), trong đó nặng nhất vẫn là phí kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còng lưng gánh phí
Theo Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu (XK) mà doanh nghiệp phải trả đã tăng trung bình 1,5 – 2 lần so với trước đây. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát trước khi XK đã khiến đa phần các lô hàng thủy sản phải chờ 7 – 10 ngày trước khi XK khiến DN chịu thêm hàng loạt mức phí lưu kho bãi. Thêm vào đó việc áp thuế bao bì, túi nhựa, thuế môi trường… khiến các DN phải tiêu tốn một khoản không nhỏ (0,1 USD/kg sản phẩm). Theo ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Công ty thủy sản Thuận Phước, năm 2011 chi phí đã tăng 25 – 30% so với năm 2009, trong khi giá thế giới tăng chỉ 22 – 25%, năm 2012 sẽ còn tăng hơn nữa do lãi suất và đầu vào.
Xuất khẩu thủy sản đang phải chịu nhiều loại phí.
Theo các DN, những sự cố về tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm xuất khẩu thủy sản hiện nay chủ yếu có nguồn gốc từ khâu nuôi trồng, đánh bắt trong khi DN phải lãnh hậu quả của chi phí kiểm nghiệm. Ông Phan Thanh Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Hải Việt (Vũng Tàu), cho biết tại nhiều vùng nuôi thủy sản ở Thái Lan, người ta kiểm tra điều kiện nuôi, thức ăn, thuốc sử dụng… và cuối cùng là kiểm tra mẫu sản phẩm, nếu phát hiện kháng sinh sẽ cấm sản xuất. Còn ở Việt Nam gần như chỉ chú trọng vào giám sát DN xuất khẩu, nên chất lượng khó kiểm soát trong khi chi phí tiêu tốn thêm DN gánh chịu. Ông Minh cho rằng, nên đánh giá lại cần kiểm soát ở khâu nào để giảm chi phí cho DN.
Chiếc áo đã quá chật!
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep, cho biết năng lực của cơ quan kiểm soát (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Nafiqad) như một chiếc áo đã quá chật so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Điều này là một bất lợi, làm giảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam với các nước XK khác. Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng hiện người nông dân chưa được bảo hiểm và con giống không tốt khiến họ sẽ sử dụng kháng sinh khi tôm bệnh. Phải tiếp cận kiểm soát theo chuỗi để có con tôm Việt Nam uy tín hơn
.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, cho rằng năm 2012 là năm chất lượng ATVSTP, bằng chứng là tần suất các đoàn kiểm tra từ nhiều nước sẽ tới Việt Nam cao hơn. Liên tục có những cảnh báo thậm chí là nguy cơ mất những thị trường nhập khẩu lớn như Nhật Bản, Canada…. của ngành thủy sản. Theo ông Tiệp, chi phí bình quân cho kiểm nghiệm không cao, không thể tính cho 1 lô hàng mà phải tính bình quân, cũng như không thể lấy trường hợp cá biệt.
Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết VSANTP là vấn đề lo ngại với nhiều động cơ từ bên ngoài đang cố tình bôi xấu hình ảnh thủy sản Việt Nam, vì vậy việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu là nguyên tắc của thị trường. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận đạt yêu cầu, làm sao giảm chi phí cho DN. Bộ sẵn sàng tiếp thu và đề nghị Cục quản lý chất lượng phối hợp với các nhà nhập khẩu, cái gì họ chấp nhận thì mình cũng chấp nhận, không nên làm khó hơn cho DN.
Theo Báo Đất Việt