Trong điều kiện khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ gặp nhiều khó khăn, ngư dân Hoài Nhơn đã đẩy mạnh việc thành lập và phát triển các mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Hiệu quả bước đầu
Huyện Hoài Nhơn có thế mạnh về ngư nghiệp, với số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, cũng như tình hình chung, những năm gần đây, hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân Hoài Nhơn gặp nhiều khó khăn do chi phí khai thác, đánh bắt tăng cao; tình hình thời tiết, an ninh trên biển diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, việc thành lập các mô hình tổ đoàn kết trên biển được xác định là chủ trương sát đúng, hợp lòng dân, phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân.
Thời gian qua, chính quyền, các hội, đoàn thể của huyện và 6 xã ven biển trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ tàu thuyền tham gia tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Cùng với đó, nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đã được huyện tích cực phối hợp triển khai: hỗ trợ chi phí xăng dầu, phao cứu sinh, máy ICOM; tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo thuyền trưởng; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản hải sản… cho các chủ tàu tham gia vào tổ đoàn kết. Đến cuối năm 2011, toàn huyện Hoài Nhơn đã có trên 184 tổ đoàn kết khai thác hải sản, với trên 736 tàu tham gia, chiếm trên 60% tàu đánh bắt xa bờ (vào khoảng 1.200 tàu) trên địa bàn huyện; trong đó có 78 tổ đoàn kết do UBND xã ban hành quyết định thành lập (nhiều nhất là ở Tam Quan Bắc với 65 tổ, Hoài Thanh: 10 tổ…).
Tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn neo đậu tại Cảng cá Tam Quan Bắc. Ảnh: VĂN LƯU
Các tổ đoàn kết đánh bắt đã phát huy hiệu quả, giúp ngư dân giải quyết nhiều khó khăn khi tiến hành đánh bắt xa bờ. Các tàu đã có nhiều hoạt động liên kết, hỗ trợ nhau trong đánh bắt, chia sẻ thông tin ngư trường, tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt nên nhiều tàu đạt được lợi nhuận cao hơn.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, mô hình tổ đoàn kết đã thực sự phát huy hiệu quả khi giữa các tàu thường xuyên giữ liên lạc, hỗ trợ, thực hiện cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau khi có gió bão, sự cố xảy ra trên biển. Bên cạnh đó, các tổ đoàn kết cũng nêu cao tinh thần liên kết, phát huy sức mạnh tập thể trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; kịp thời thông tin, phản ánh cho các đồn biên phòng xử lý các hoạt động xâm phạm chủ quyền, xâm phạm lãnh hải của các tàu nước ngoài.
Để nhân rộng và phát huy mô hình
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển ở Hoài Nhơn vẫn còn thấp so với yêu cầu. Việc xây dựng các quy định về gắn kết, hỗ trợ giữa các tàu chưa rõ ràng nên các tàu trong tổ chưa thật sự liên kết, gắn bó chặt chẽ. Một bộ phận ngư dân chưa đề cao vai trò của việc tham gia mô hình tổ đoàn kết; vẫn còn nhiều chủ tàu giữ tư duy làm ăn độc lập, không muốn liên kết với các tàu khác…
Để tiếp tục nhân rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, huyện Hoài Nhơn cần xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển với số lượng cụ thể, gắn với triển khai nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm đối với các tổ đoàn kết đánh bắt hiện có, trong đó chú trọng tiếp thu các ý kiến trực tiếp từ phía ngư dân và các chủ tàu. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, thuyết phục và hướng dẫn chủ tàu tích cực tham gia tổ đoàn kết; phấn đấu trong vài năm tới sẽ có 100% tàu trong toàn huyện tham gia các mô hình tổ đoàn kết đánh bắt trên biển; từng bước nâng cấp mô hình tổ đoàn kết lên thành các tổ hợp tác sản xuất, khai thác trên biển; xây dựng nghiệp đoàn, thu hút ngư dân tham gia tổ chức Công đoàn nghề đánh bắt trên biển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ quyền, lợi ích của chủ tàu và người lao động trên biển.
Nguyễn Đạt
Theo Báo Bình Định