T2, 06/07/2020 10:13

Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển của Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Pháp luật về quản lý hoạt động của tàu cá được ghi nhận trong Luật Thuỷ sản 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, những quy định đó sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi, hoàn thiện.

Quản lý đối với tàu cá

Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối hoàn thiện quy định về việc tổ chức, quản lý hoạt động của tàu thuyền khi khai thác hải sản ở các vùng biển tại Luật Thủy sản năm 2003, đặc biệt là Nghị định số 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết cụ thể những vấn đề pháp lý về hoạt động của những tàu cá Việt Nam trong từng trường hợp, tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển của Việt Nam và hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam.

Những quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đối với các tàu cá của tổ chức, cá nhân Việt Nam bao gồm những nội dung cơ bản như: đăng kiểm tàu cá; đăng ký tàu cá và đăng ký thuyền viên tàu cá; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tổ chức cá nhân tiến hành khai thác.

Quản lý hoạt động khai thác ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam bao gồm những nội dung về: quy định điều kiện được phép khai thác tại các vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam; cấp giấy phép khai thác ngoài các vùng biển của Việt Nam. Để được khai thác thủy sản ở vùng biển cả hoặc vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ cho Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng cục Thủy sản xem xét hồ sơ và cấp các giấy tờ cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Tàu cá khai thác ở vùng biển Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh Cường

Những vấn đề pháp lý về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tàu các nước ngoài trong vùng biển Việt Nam trước tiên được quy định chủ yếu trong các văn bản dưới luật như Nghị định số 32/2010/NĐ – CP; Cùng với những nội dung được quy định trong pháp luật quốc gia, các vấn đề về quản lý hoạt động của tàu cá nước ngoài còn được ghi nhận trong các hiệp định nghề cá Việt Nam ký kết với nước ngoài như Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ 2000, Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ 2004… Những nội dung cơ bản trong hoạt động quản lý đối với những tàu cá nước ngoài bao gồm: cấp giấy phép hoạt động thủy sản cho tàu cá nước ngoài; thực hiện giám sát tàu cá; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.

 

Những bất cập

Khi áp dụng trên thực tế, các quy định trên vẫn còn nhiều bất cập về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, các quy định về giấy phép. Cụ thể:

Về đăng ký, đăng kiểm tàu cá: Hệ thống đăng kiểm chưa thống nhất, chưa chuyên trách, kiêm nhiệm là chính. Cán bộ làm công tác này rất mỏng. Trang thiết bị dùng cho kiểm định, thiết bị đo còn thiếu. Công tác quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa rõ ràng, nhiều loại tàu chưa đưa ra được bộ quy chuẩn… Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể việc đăng ký tàu cá cho nhóm tàu có công suất dưới 20CV áp dụng theo Nghị định 66/2005/NĐ-CP. Vì vậy nên có hướng dẫn về nội dung này để việc thực hiện được thuận lợi. Đối với tàu cá có công suất dưới 20CV, nhiều tàu cá sau khi đăng ký không thực hiện gia hạn, kiểm tra an toàn nhiều năm nhưng lại không có quy định xóa đăng ký như Điều 12 Quyết định 10/2006/QĐ-BTS.

Đối với các quy định về giấy phép: Những quy định ghi trong giấy phép còn mang tính chất chung chung, không bộc lộ đ­ược bản chất của một loại giấy phép cần phải có; công tác chia vùng tuyến khai thác tại các địa phương vẫn chư­a xây dựng xong.

 

Cần có những giải pháp

Để tăng cường hiệu quả bộ máy quản lý đối với hoạt động khai thác, bảo vệ thủy sản, hệ thống pháp luật cần hoàn thiện theo hướng quản lý tổng hợp, phát huy vai trò của các cộng đồng dân cư trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển, cụ thể:

Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương trong lĩnh vực thủy sản. Đổi mới phương thức quản lý, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý ngành; tăng cường năng lực quản lý ngành ở cấp địa phương. Tại một số tỉnh trọng điểm, cần tăng cường vai trò tham gia quản lý của cộng đồng, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia khai thác, sử dụng môi trường tài nguyên sinh vật biển;

Thực hiện phân cấp và phối hợp giữa chính quyền các cấp trong quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương thống nhất. Kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm theo thẩm quyền được pháp luật quy định;

Xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động quản lý như xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, hướng dẫn chỉ đạo sản xuất kinh doanh giữa các ngành cùng tham gia khai thác, giữa quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, giữa các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo thi hành pháp luật. Đặc biệt, cần xác định rõ quan hệ giữa các lực lượng hoạt động trên biển, giải quyết dứt điểm sự chồng chéo chức năng giữa các lực lượng hiện nay, trọng tâm là mối quan hệ giữa Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát Biển;

Tổ chức lại lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt là lực lượng Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng tăng cường đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật. Xây dựng lực lượng Cảnh sát Biển và thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Nghiên cứu và áp dụng phương thức quản lý tổng hợp biển và ven bờ;

Hoàn thiện hệ thống đăng kiểm tàu cá theo hướng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản thành lập Phòng đăng kiểm tàu cá; đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Đăng kiểm và Tư vấn nghề cá trong việc đào tạo đăng kiểm viên tàu cá, triển khai ứng dụng các quy trình, quy phạm trong hoạt động kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá;

Nghiên cứu và triển khai áp dụng rộng rãi hình thức giám sát gián tiếp hoạt động của các tàu cá thông qua các phương tiện quan sát không gian.

>> Một hệ thống pháp luật hoàn thiện, hiệu quả để quản lý hoạt động của tàu thuyền khi khai thác thủy sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản cũng như hệ sinh thái biển, hay nói cách khác sẽ góp phần phát triển ngành thủy sản một cách bền vững.

Th.s Nguyễn Thị Hà 

Khoa Luật – Đại học Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!