Hỏi: Ao nuôi cá không có nước ra vào thường xuyên, trên ao có màng xanh màu rêu. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
(Nguyễn Văn Long, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)
Trả lời:
Hiện tượng trên chứng tỏ trong ao thừa chất dinh dưỡng, hay còn gọi là hiện tượng phì dưỡng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, tảo lam trong ao sẽ phát triển quá mức dẫn đến nở hoa làm thối nước gây độc cho cá, phát sinh khí độc dưới đáy ao. Để khắc phục, biện pháp đầu tiên cần thực hiện là giảm lượng thức ăn, thậm chí dừng cho cá ăn khoảng 1 – 2 ngày, dừng các hoạt động bón phân xuống ao, cùng đó, tiến hành thay nước với lượng 30 – 40%. Cần tính toán lại để đảm bảo không có thức ăn thừa. Sử dụng một số hóa chất, như BKC, Sunphat đồng (CuSO4) kìm hãm sự phát triển của tảo, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó, dùng Zeolite có tác dụng hấp thụ khí độc và phân hủy mùn bã hữu cơ. Hàng ngày vào buổi sáng vớt hết váng tảo trên ao. Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách sử dụng Vitamin C với liều lượng 2 – 3 g/100 kg cá/ngày, trộn vào thức ăn và cho ăn trong 10 ngày.
Hiện tượng phì dưỡng trong ao nuôi (Ảnh ST)
Hỏi: Cua biển có dấu hiệu ít vận động, phản xạ kém, thân gầy và chân bơi yếu. Xin hỏi đây là bệnh gì và biện pháp khắc phục ra sao?
(Võ Thanh Thủy, xã Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Theo mô tả, cua có thể đã bị bệnh teo chân. Nguyên nhân là do đáy ao nhiễm bẩn, thức ăn thừa nhiều, vệ sinh ao hồ kém, nhiễm vi khuẩn Vibrio. Ngoài ra, do sự biến động thất thường của nhiệt độ, cua không tự điều chỉnh cân bằng được nhiệt độ dẫn đến cua bị nhiễm lạnh. Khi bị bệnh, cua vận động khó khăn, muốn bò nhưng không được, nên thường gọi là bệnh cua vặn mình. Để phòng trị bệnh, cần đảm bảo độ sâu ao nuôi; Vệ sinh tốt ao, hồ nuôi tạo môi trường tốt cho cua; Tắm cho cua bằng dung dịch Oxytetracyline với nồng độ 0,5 – 3 g/m3. Thời gian tắm 20 – 30 phút, điều trị trong 6 – 8 ngày. Trộn kháng sinh Oxyteraccyline và dầu thực vật vào thức ăn với liều lượng 50 mg/kg thức ăn. Cho ăn liên tục khoảng 6 – 8 ngày.