Hỏi: Xin hỏi nguyên nhân và cách phòng bệnh ếch bị đỏ đùi rồi chết? (Bùi Thế Anh, xã Giao Hưởng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Nguyên nhân: Do nước bẩn, chế độ chăm sóc không đảm bảo khiến ếch bị suy nhược, sức đề kháng yếu. Bệnh do vi khuẩn gây nên. Biểu hiện, đùi ếch có những đốm đỏ, sau vài ngày không chữa kịp thời sẽ bị lở loét và chết.
Phòng bệnh: Đảm bảo nguồn nước sạch, thay nước thường xuyên để giữ vệ sinh, đảm bảo nước ao nuôi không bị chua, thối đục, không có hóa chất độc. Thường xuyên vệ sinh, tẩy trùng dụng cụ cho ăn, sàn ăn. Đảm bảo số và chất lượng thức ăn trong từng giai đoạn phát triển của nòng nọc và ếch giống. Không để xảy ra dịch bệnh. Không khuấy động làm ếch giật mình căng thẳng. Cho ăn thức ăn tươi, sạch. Có bóng mát che nắng, chống nóng. Chú ý: không để chim chuột ăn thịt ếch.
Trị bệnh: Khi phát hiện bệnh, trước hết phải thay nước, nếu không hiệu quả phải dùng thuốc Sunfat đồng phun xuống ao và vườn. Liều lượng 1,5 g/m3. Bệnh này rất dễ lây lan do đó cần có biện pháp đề phòng tránh kịp thời.
Hỏi: Cách nhận biết Hội chứng chết sớm và hoại tử gan tụy trên tôm và phương pháp điều trị? (Nguyễn Quang Mạnh, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định)
Trả lời:
Hội chứng chết sớm (EMS) và bệnh gan tụy trên tôm thẻ chân trắng đều cùng 1 tác nhân là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây nên.
EMS gây tôm chết ở giai đoạn 10 – 15 ngày tuổi. Hiện tượng này đa phần do con giống đã nhiễm bệnh và một số ao tảo tàn đột ngột đầu kỳ. Trường hợp này không điều trị, nên xả bỏ.
Còn hoại tử gan tụy trường xảy ra ở giai đoạn 20 – 45 ngày, trọng lượng 1,5 – 3,5 g/con, sử dụng thuốc kháng sinh thuộc dòng Oxytetraciline (thường đánh Baymet của BAYER 3 kg/1.000 m3) sau đó thay nước. Định kỳ sử dụng Virkon A 1 ppm diệt khuẩn với tần suất 4 ngày/lần.
Hỏi: Cá lăng đen trọng lượng 20 – 25 con/kg, nuôi trong lồng, có hiện tượng cụt vây lưng và vây đuôi. Hỏi cá bị bệnh gì và phương pháp phòng trị? (Nguyễn Quang Đông, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)
Trả lời:
Theo như mô tả cá của bạn bị nấm thủy my. Bệnh thường xảy ra khi cá bị xây xát do đánh bắt, vận chuyển hay cá bị ký sinh trùng gây nên các thương tổn bên ngoài. Nấm thủy my thường phát triển mạnh khi môi trường nuôi bị ô nhiễm nặng.
Phòng bệnh: Giữ môi trường nuôi sạch, không nuôi với mật độ quá dày. Cá giống trước khi thả cần tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4 g/lít. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ để nước lưu thông tốt. Định kỳ bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Trị bệnh: Dùng Methylen liều lượng 2 – 3 lít/1.000 m3 nước, lặp lại 2 lần/ tuần. Ngoài ra, có thể dùng cây nghể răm hoặc lá xoan bó lại ngâm trong lồng để trị bệnh cho cá.