Hỏi: Ao nuôi có nhiều màng xanh, cá thường nổi đầu vào sáng sớm. Xin hỏi phương pháp xử lý?(Phạm Văn Nam, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Ao nuôi có nhiều màng xanh là do sự phát triển quá mức của tảo. Chất thải hữu cơ từ thức ăn thừa, chất thải của cá có chứa các chất vi lượng được tảo hấp thu và khi có đủ các chất cần đó, mật độ tảo tăng lên rất nhanh. Để kiểm soát sự phát triển của tảo, cần thường xuyên quan sát màu nước, nên duy trì màu xanh nõn chuối cho ao. Nếu tảo phát triển quá nhiều có thể ảnh hưởng không tốt cho vật nuôi vì tảo cạnh tranh ôxy trực tiếp với vật nuôi, nhất là vào nửa đêm, gần sáng. Thiếu ôxy, cá có biểu hiện nổi đầu, kéo dài cá sẽ bỏ ăn, chậm lớn, sức đề kháng bệnh tật kém, có thể chết. Để kiểm soát quá trình phát triển của tảo, cần kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn và cách cho cá ăn, xử lý môi trường nuôi bằng cách định kỳ bón vôi bột, hóa chất khử trùng (Vicato, BKC, Chlorine…) hoặc Enzyme.
Hỏi: Lươn nuôi trong bể xi măng bị nổi đầu, trên thân nhiều đốm đỏ. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Hà Văn Vinh, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trả lời:
Theo như mô tả, lươn có triệu chứng bị bệnh đóng dấu. Bệnh này thường xảy ra khi lươn bị xây xát; vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào chỗ xây xát đó sinh sống và phát triển dần thành những đốm đỏ. Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết hình tròn hay bầu dục màu đỏ xen lẫn một số ít vùng da bị lở loét lớn hơn. Khi bệnh nặng, đuôi lươn bị rụng, bơi lội khó khăn, đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở, mệt mỏi, bơi lờ đờ, yếu dần rồi chết.
Có thể sử dụng Cenplex Cu để trị bằng phương pháp tắm lươn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, dùng Vime-fenfish 500 với liều lượng 1lít/2,5 tấn lươn hoặc dùng Sulfamidine liều lượng 0,5 g/50 kg lươn.