Hỏi: Cá trắm cỏ có hiện tượng mất nhớt, hậu môn lồi ra, nhiều con trên thân bị xuất huyết. Hỏi cá bị bệnh gì và phương pháp điều trị? (Nguyễn Chính, xã Trung Tín, huyện Ứng Hòa, Hà Nội)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Theo như mô tả thì cá trắm cỏ bị bệnh viêm ruột. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè, mùa thu ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam. Để phòng bệnh cần giữ môi trường nuôi trong sạch, hạn chế ô nhiễm hữu cơ. Định kỳ bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi. 20 – 30 ngày sử dụng vôi bột với lượng 2 – 3 kg/100 m2, hòa loãng với nước, tạt xuống ao nuôi. Có điều kiện có thể sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước ao nuôi, phân hủy ô nhiễm hữu cơ, giảm vi sinh vật gây bệnh. Trị bệnh bằng thuốc SULFATRIM, liều lượng tùy vào tuổi của cá. Cá dưới 2 tháng tuổi, 1 kg thuốc trộn với 400 – 500 kg thức ăn, cá trên 2 tháng tuổi, 1 kg thuốc trộn với 500 – 600 kg thức ăn. Trộn đều thuốc với 50% khẩu phần thức ăn trong ngày, sau đó bao ngoài bằng dầu ăn, để khô 15 phút mới cho ăn, điều trị liên tục trong 5 ngày.
Hỏi: Có thể sử dụng những hóa chất gì để diệt khuẩn nước trước khi thả nuôi tôm? Sau khi đánh Chlorine thì sau bao nhiêu ngày mới được thả tôm? (Nguyễn Như Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Một số hóa chất có thể sử dụng để diệt khuẩn, diệt tạp nước trước khi nuôi tôm là: thuốc tím (KMnO4), lượng 20 – 50 kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới tiến hành gây màu nước. BKC (Benzalkonium Chlorinde) > 50%, nồng độ 3 – 5 ppm. Hợp chất Iodine > 10%, nồng độ 1 – 3 lít/1.000 m3 nước. Lưu ý, nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó từ 3 – 5 ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine. Sau khi sử dụng Chlorine để diệt khuẩn nước cần chạy quạt nước liên tục ít nhất trong 10 ngày để giải phóng dư lượng Chlorine.