Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 10 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm sú nuôi được hai tháng thì bị đóng rong ở thân và một số con bị đen mang, cách xử lý như thế nào? (Nguyễn Văn Miền – huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Đóng rong và đen mang ở tôm là bệnh phổ biến và thường xảy ra khi chất lượng nước trong ao nuôi kém, chứa nhiều chất bẩn, sinh vật bám và đặc biệt là tảo.

Hiện tượng đóng rong ở mang tôm thường làm cho mang đổi màu hoặc bị đen, vỏ tôm không sạch, trơn nhớt, có tảo bám trên bề mặt, vỏ có màu xanh của tảo, màu đen xám giống như bùn. Tôm bị bệnh này rất yếu, bỏ ăn, ít di chuyển và tấp mé bờ, đồng thời mang bị tổn thương.

Cách xử lý: Dùng formol, 25 – 30 ml/m3 nước ao, hòa loãng và té đều khắp mặt ao, nên dùng vào ban ngày và sục khí liên tục trong quá trình xử lý. Formol có tác dụng trực tiếp diệt sinh vật bám và kích thích sự lột xác của tôm. Có thể dùng BKC 80 với liều 0,8 ml/m3 để diệt tảo, diệt nguyên sinh động vật khi chúng phát triển mạnh trong ao nuôi, đối với các loại BKC có hàm lượng hoạt chất thấp hơn thì sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ để phân hủy các chất hữu cơ làm sạch đáy ao thường xuyên.

 

Hỏi: Xin cho biết các bước chuẩn bị ao nuôi thương phẩm cá bống bớp?(Trần Du Thịnh – thị trấn Đông Bình, huyện nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Trả lời:

Ao nuôi cá bống bớp thường có diện tích 100 – 3.000 m2, ao được tát cạn, xung quanh bờ cần chôn các phên nứa hay nilon chìm dưới nước ao 60 – 70 cm, hoặc đào rãnh xung quanh bờ rộng 20 cm, sâu 60 – 80 cm dưới mặt nước, sau đó đổ cát nện chặt lại rồi đắp đất lên để ngăn không cho cá đào hang xuyên bờ thoát ra ngoài. Ao nên có cống cấp và thoát nước riêng biệt.

Quanh khu vực gần bờ ao, có thể trồng cói hoặc cỏ để tạo bóng mát và nơi trú ẩn cho cá về mùa hè. Cách bờ từ 1 m trở ra có thể tạo hang cho cá trú ẩn bằng gạch, ngói, ống nhựa, ống tre… Trong ao nên thả rong bún, rong câu, rong đuôi chó… để tạo môi trường mát, yên tĩnh cho cá và hấp thụ bớt chất dinh dưỡng trong ao. Sau khi tát cạn ao, cải tạo bờ, đáy cấy rong thì cấp nước sạch vào ao, mực nước cấp 60 – 80 cm, tương đương với độ cao của rãnh đổ cát hoặc tấm ngăn của bờ.

 

Hỏi: Nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng có màu xanh lục, màu lá chuối, nếu tảo phát triển mạnh hơn nữa kiểm soát như thế nào? (Nguyễn Bá Nhật – Trường Đại học Nông Lâm Huế)

Trả lời:

Màu nước ao nuôi tôm phụ thuộc vào các nhóm tảo, như màu mận chín dotảo khuê phát triển nhiều, đây là thức ăn tự nhiên quan trọng cho tôm nuôi ở giai đoạn mới thả; màu xanh nhạt hoặc xanh đậm (thường được gọi là xanh vỏ đậu), thành phần chủ yếu là tảo lục, chúng hấp thụ rất nhiều chất dinh dưỡng hữu cơ nên dễ làm sạch nước, có lợi cho tôm; màu xanh đậm chủ yếu là tảo lam, tảo lục, thường thấy ở ao cũ, nước ao có nhiều dinh dưỡng ảnh hưởng đến pH, hô hấp của tôm.

Khi tảo phát triển mạnh trong ao tôm, bạn có thể sử dụng một trong những biện pháp sau:

Thay 50% lượng nước ao trong 3 ngày (nếu chủ động được nguồn nước sạch).

Sử dụng một số loại hóa chất để cắt tảo như BKC, formol, Chlorine… Lưu ý, khi sử dụng hóa chất cần thực hiện ban ngày, đúng liều lượng (theo khuyến cáo) và tăng cường sục khí.

Sử dụng chế phẩm sinh học để làm môi trường nước ao sạch, vi khuẩn có lợi sẽ cạnh tranh thức ăn và nơi sống của tảo, giúp tảo phát triển ổn định trong ao. 

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!