Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 11 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Trong vuông tôm thường mọc nhiều rong nhớt, rong đuôi chồn, rong dạ… Vậy phải dùng loại thuốc gì để trị mà không ảnh hưởng đến tôm nuôi? (Đỗ Văn Trung – xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Hiện tượng các loại rong mọc nhiều thường xuất hiện ở những vuông tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, do mực nước nông, nước có độ trong cao nên ánh sáng mặt trời chiếu xuyên xuống tận đáy làm cho các loài rong này phát triển. Vậy việc đầu tiên bạn cần thực hiện là nâng cao mực nước hết cỡ có thể (từ 1,2 m trở lên), sử dụng bột cám và bột đậu tương ngâm ủ qua đêm và té xuống vuông tôm với liều lượng 1 cám + 2 đậu tương/100 m3/ngày và bón 3 ngày liên tục. Khi tảo phát triển mạnh, màu nước chuyển màu xanh lục thì sẽ ngăn ánh sáng chiếu xuống đáy ao, rong đáy sẽ ngừng phát triển.  

 

Hỏi: Tôi thấy người ta trộn men ngọt bột mì (E300, E491…) vào thức ăn cho tôm thẻ, làm như vậy có tác dụng gì và có nên làm theo không? (Phúc Bảo – thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Hai chất E300, E491 có trong men ngọt bột mì đó là hai chất phụ gia gồm E491 là dầu tinh luyện và  E300 là axít ascorbic hay còn gọi là Vitamin C. Hai chất này có tác dụng ngăn ngừa ôxy hóa sản phẩm và cung cấp các axít amin cần thiết, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể vật nuôi. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào về việc sử dụng men ngọt bột mì chứa hai chất này để cho tôm ăn mang lại kết quả tốt, do vậy bạn không nên mạo hiểm sử dụng loại men này trộn vào thức ăn để nuôi tôm.

 

Hỏi: Có thể nuôi đơn cá hồng mỹ trong ao nước lợ được không? Việc lựa chọn địa điểm nuôi như thế nào là phù hợp? (Vũ Duy Anh – thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời:

Qua các kết quả nuôi thử nghiệm tại Hải Phòng và Quảng Ninh cho thấy, cá hồng mỹ là đối tượng nuôi phù hợp trong ao đất với cả 2 hình thức nuôi đơn và nuôi ghép. Việc lựa chọn địa điểm nuôi cá bạn cần lưu ý các vấn đề sau: Ao nuôi phải gần nguồn nước cấp, có thể chủ động được nước cấp trong suốt vụ nuôi và có thể thay nước dựa vào chế độ thủy triều… Chất nước đảm bảo các yêu cầu: pH 7,5 – 8,5; hàm lượng ôxy hòa tan 4 – 6mg/l; độ mặn 5 – 30‰; nhiệt độ 26 – 320C; NH3 < 0,1 mg/l;  H2S < 0,01mg/l; độ trong 30 – 35cm. Cá hồng mỹ có thể nuôi được ở mọi nền đáy khác nhau, nhưng thích hợp nhất là nền đáy cát sỏi hoặc cát bùn. Nền đáy ít mùn bã hữu cơ và không bị rò rỉ, thẩm lậu. Nên chọn địa điểm nuôi cá gần đường giao thông để dễ dàng vận chuyển thức ăn, con giống và sản phẩm cá nuôi đi tiêu thụ, giảm chi phí đầu tư.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!