Hỏi: Tôm sú nuôi 1 tháng tuổi, ao màu nước đục, pH chuẩn, kiềm tốt, nhưng tôm bị màu nhợt nhạt, phần trên vỏ có rong bám, tôm bỏ ăn, chết rải rác, xin cho biết nguyên nhân cách điều trị? (Châu Danh – huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản Việt Nam (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Qua mô tả thì nước ao nhà bạn đã bị ô nhiễm, môi trường đáy có nhiều khí độc gây stress cho tôm làm tôm suy yếu. Mặt khác nguồn nước ô nhiễm sẽ gây nên hiện tượng đóng rong trên tôm khiến tôm khó lột xác, tôm tiêu hóa kém, bỏ ăn và chết rải rác. Do vậy, trước tiên bạn cần ngừng cho tôm ăn, thay 20 – 30% lượng nước trong ao nếu chủ động được nguồn nước sạch. Dùng BKC khử trùng nước ao, sau đó 2 ngày, dùng chế phẩm sinh học bón xuống ao để khoáng hóa và chuyển hóa khí độc ở đáy ao. Khi tôm khỏe trở lại, trộn men tiêu hóa vào thức ăn, bọc dầu rồi cho tôm ăn với liều lượng bằng 20% lượng thức ăn hàng ngày, sau đó tăng dần lên theo sức ăn của tôm.
Hỏi: Ao nuôi cá nước bị đục, có phải vãi đạm urê và lân Lâm Thao thì nước trong không và có ảnh hưởng gì đến cá không? (Hoàng Ngọc Anh – huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình)
Trả lời:
Ao nuôi cá nước bị đục thường do 2 nguyên nhân: Ao nuôi có nền đáy là đất sét nên nước ao chứa nhiều huyền phù gây đục cho ao, hoặc trong ao nuôi nhiều cá chép (loài cá này thường sục bùn để kiếm ăn nên cũng gây nước đục).
Đạm urê chỉ sử dụng bón xuống ao để gây màu nước khi bắt đầu thả nuôi cá. Nếu ao nuôi cá công nghiệp, lượng chất thải nhiều, vãi đạm urê sẽ làm cho màu nước càng đặc thêm (tảo phát triển) ảnh hưởng đến hô hấp của cá. Do vậy, bạn có thể hòa loãng lân Lâm Thao và té xuống ao để giảm độ đục của nước, vì khi xuống nước lân sẽ liên kết các huyền phù lơ lửng và lắng xuống đáy ao, nước ao sẽ trong hơn. Lân Lâm Thao còn có tác dụng hạn chế tảo phát triển mà ít gây hại đến cá.
Hỏi: Tôi nuôi cá chim vây vàng trong lồng để cho sinh sản, vừa qua cá bị bệnh rận cá rất nặng, tôi có tắm hóa chất cho cá và cá đã khỏi bệnh. Xin hỏi bệnh này có ảnh hưởng đến sinh sản của cá hay không? (Phan Hùng Cường – thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Nếu cá chim bố mẹ trong quá trình nuôi bị nhiễm ký sinh trùng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát dục của cá trong quá trình nuôi vỗ, cá sẽ không phát dục hoặc phát dục kém, nếu cá phát dục thì sức sinh sản cũng rất kém và cá giống sinh ra sẽ còi cọc, chậm lớn và sức đề kháng kém.
Do vậy tốt nhất là bạn nên vỗ béo đàn cá này và bán cá thịt, sau đó tuyển chọn đàn cá khác để đưa vào nuôi vỗ phục vụ cho sinh sản. Chúc bạn thành công.