Hỏi: Tôi đang nuôi tôm thẻ chân trắng, để phòng bệnh phân trắng và hoại tử gan tụy cho tôm thì phải làm cách nào? (Trần Thanh Toàn – Cà Mau; Email: tranthanhtoan03@gmail.com)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Bệnh phân trắng và hoại tử gan tụy trên tôm hiện nay chưa có thuốc đặc trị, mà chỉ là phòng bệnh thật tốt. Để hạn chế các bệnh này, bạn cần cải tạo ao tốt, nạo vét hết mùn bã hữu cơ (bùn đen), bón vôi, hoặc rải cát nền đáy và phơi ao. Nước cấp lấy từ ao lắng, qua túi lọc dày và xử lý Chlorine, độ sâu 1,2 – 1,5m. Quanh bờ mắc lưới ngăn cua còng mang mầm bệnh vào ao. Nguồn giống tôm nên mua từ các đơn vị có uy tín, được kiểm dịch, tôm cỡ Pl12 trở lên, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không dị hình, ruột và dạ dày no, bơi lội hoạt bát, thích bơi ngược dòng, cơ thể nguyên vẹn.
Có thể ương tôm trong vèo hoặc ao nhỏ trải bạt trong nhà lán với mật độ cao và quản lý tốt môi trường, sau 1 tháng mới chuyển tôm ra ao nuôi. Cần cho tôm ăn thức ăn đúng chủng loại và chất lượng, kiểm tra sức ăn tôm hàng ngày để kịp thời điều chỉnh, tránh thiếu hoặc thừa. Nên tính toán lắp đặt quạt khí cung cấp đủ ôxy để tôm phát triển tốt. Sau khi thả tôm 20 ngày, nên sử dụng chế phẩm sinh học bón định kỳ cho ao nhằm hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh và chuyển hóa các loại khí độc.
Ngoài ra, để phòng bệnh tốt, bạn còn có thể thực hiện nuôi ghép, như tôm với cá rô phi… Nếu muốn hiểu chi tiết cách thức nuôi này, bạn có thể tìm đọc các bài viết trên Chuyên san Con Tôm số 28 (phát hành tháng 2/2014) của Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Hỏi: Tôi muốn nuôi tôm theo công nghệ Biofloc nhưng chưa nắm được kỹ thuật, xin nhờ tòa soạn tư vấn?
(Văn Tuấn – Móng Cái, Quảng Ninh)
Trả lời:
Biofloc là một khối tập hợp các loại tảo đơn bào, đa bào, phân, mảnh vụn thức ăn, xác vi sinh vật, vi khuẩn và cả động vật không xương sống có kích thước nhỏ. Biofloc hoạt động theo nguyên lý vi khuẩn dị dưỡng ăn vật chất hữu cơ. Vi khuẩn sẽ tiêu thụ năng lượng và ôxy hòa tan để phát triển, do đó, ao hoặc bể nuôi sử dụng công nghệ này phải được sục khí liên tục 24 giờ/ngày. Vị trí lắp sục khí cần đảm bảo khả năng tạo khối vi khuẩn.
Ương nuôi tôm theo công nghệ Biofloc nên xây dựng hệ thống bể ương, nhà lán che chắn và hệ thống sục khí cùng với các loại cám ủ, mật rỉ đường, bột đậu tương dùng để gây màu và cân bằng Nitơ, Phốtpho trong nước. Nếu thực hiện Biofloc theo mô hình tiêu chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể như nuôi mật độ cao, giảm ô nhiễm nước, môi trường nước ổn định, cải thiện tăng trưởng tôm nuôi, giảm chi phí thức ăn và gia tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, nuôi theo công nghệ Biofloc không đơn giản, nhất là việc kiểm soát lượng vi khuẩn trong ao nuôi vì rất khó phân biệt được vi khuẩn có lợi và có hại. Mặt khác, nước phải đảm bảo tỉ lệ Carbon/Nitơ > 10; không dễ kiểm soát hàm lượng Carbon, Nitơ trong bể và khó điều chỉnh theo tỉ lệ tối ưu. Bên cạnh đó, bể ương nuôi tôm phải được lót bạt (chi phí này rất tốn kém). Chưa kể, công nghệ này đòi hỏi quản lý môi trường tốt và người vận hành phải được đào tạo bài bản. Do vậy, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định áp dụng.