Hỏi: Cá La Hán có dấu hiệu lồi mắt. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
(Võ Văn Đức, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)
Trả lời:
Tác nhân gây bệnh lồi mắt là do vi khuẩn Steptococcus gây ra. Vi khuẩn này phát triển mạnh ở môi trường có nhiệt độ nước 20 – 300C. Để phòng bệnh, cần vệ sinh bể cá thường xuyên. Trước khi thả cá nuôi nên tắm qua nước muối 2 – 3% trong thời gian 5 – 15 phút. Nên thả nuôi với mật độ vừa phải. Khi cá bị bệnh nên cắt giảm một phần hoặc toàn bộ lượng thức ăn cho cá. Chuẩn bị bể ngâm cá chữa bệnh (bể nhỏ hơn thể tích khoảng 15 – 20 lít nước). Hút nước bể chính ra bể chữa bệnh. Sử dụng 10 giọt xanh methylen, 1 viên thuốc Tetra, cắm sủi, muối 1%. Ngày hôm sau thay 2/3 lượng nước và sử dụng thuốc cho tới khi mắt cá hết sưng thì ngừng.
Hỏi: Xin hỏi biện pháp điều trị bệnh đóng dấu trên lươn?
(Trần Văn Thuận, xã Vĩnh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế)
Trả lời:
Bệnh đóng dấu thường xảy ra khi lươn bị xây xát, khi đó các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào vết thương và sinh sống, phát triển dần thành những vết loét lớn. Khi bị bệnh, trên mình lươn xuất hiện những vết hình tròn hoặc bầu dục màu đỏ xen lẫn các vùng da lở loét. Nếu bệnh nặng, đuôi lươn sẽ bị rụng, bơi lội khó khăn, đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở, lươn mệt mỏi, yếu dần rồi chết. Phòng bệnh bằng cách nuôi với mật độ thích hợp, tắm lươn bằng muối ăn nồng độ 200 – 300 g/10 lít nước trong 15 – 20 phút trước khi thả. Thường xuyên thay nước trong quá trình nuôi hoặc định kỳ 5 – 7 ngày tắm lươn bằng KMnO4, liều lượng 3 – 5 g/m3 và hạn chế những tác động trực tiếp đến lươn, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng. Trị bệnh bằng kháng sinh Streptomycin, trộn vào thức ăn với liều lượng 50 – 70 mg/kg lươn hoặc tắm với liều lượng 250 – 300 g/100 m3 nước, xử lý liên tục trong 5 – 7 ngày.
Ban KHKT – Tạp chí Thủy sản Việt Nam