Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 4/2015 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Bệnh đục cơ và bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ chân trắng (TTCT) khác nhau thế nào? Phạm Văn Nam (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Bệnh đục cơ và hoại tử cơ có những biểu hiện, nguyên nhân khác nhau, cần phân biệt rõ để có cách phòng và trị bệnh phù hợp. Bệnh đục cơ trên TTCT thường xuất hiện khi tôm được 10 ngày tuổi đến khi trưởng thành. Biểu hiện phần mô cơ dọc cơ thể có màu trắng đục kèm theo hiện tượng cong thân. Nguyên nhân có thể là do sốc môi trường hoặc thiếu một số khoáng chất thiết yếu. Để phòng trị bệnh này, người nuôi cần quản lý tốt môi trường ao nuôi, bổ sung một số chất khoáng vào thức ăn hoặc tạt trực tiếp xuống môi trường ao nuôi. Khác với bệnh đục cơ, bệnh hoại tử cơ do virus gây nên thường xảy ra sau giai đoạn tôm được 45 ngày tuổi. Ban đầu, khi mới bị bệnh, phần cơ đuôi trở nên trắng đục, sau đó lan dần khắp cơ thể. Khi bệnh nặng, xuất hiện hoại tử và đỏ ở phần cơ. Trong quá trình nuôi nên tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, thường xuyên bổ sung một số vitamin để tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm nuôi. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý và ổn định môi trường ao nuôi, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh.

 

Hỏi: Ao nuôi tôm sú quảng canh thì nuôi ghép cá gì thích hợp? Tống Văn Đông (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Dựa trên đặc tính hệ sinh thái của tôm thì có thể nuôi ghép với cá rô phi. Cá rô phi có thể thích ứng ở những độ mặn khác nhau. Cá rô phi sống ở tầng nước mặt trong khi tôm sú có tập tính sống thiên về tầng đáy. Trong hệ thống nuôi quảng canh, cá rô phi có thể lọc thức ăn gồm tảo, động vật phù du và các chất hữu cơ lơ lửng (bao gồm cả những quần thể vi khuẩn sống trên đó). Ngược lại, tôm sống và kiếm ăn ở tầng đáy, thức ăn của tôm là những vật chất hữu cơ được lắng xuống và phân cá rô phi. Quá trình ăn lọc tảo và môi trường sống của cá rô phi tác dụng ức chế sự phát triển các loài vi khuẩn, ổn định môi trường ao nuôi, tạo nguồn nước sạch cho tôm phát triển. Điều quan trọng là cá rô phi có thể ăn thức ăn thừa, chất thải từ tôm làm giảm sự tích tụ chất thải trong ao nuôi.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!