Hỏi: Tôm nuôi 2 – 3 tuần, có nhiều con bị dính chân, không rút ra khỏi vỏ khi lột, nhất là sau mỗi trận mưa lớn. Nguyên nhân và cách phòng trị thế nào?(Nguyễn Quang Sức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu mô tả ở trên có thể liên quan đến pH và độ kiềm thấp. Thường xuất hiện ở các ao nuôi có độ mặn thấp hoặc nuôi tôm trái vụ vào mùa mưa. Axit từ bờ ao bị rửa trôi và xả xuống sau mỗi trận mưa làm pH giảm, thậm trí ngay cả khi đáy ao đã được xử lý cải tạo tốt từ ban đầu. Để khắc phục hiện tượng trên cần kiểm tra chất lượng nước thường xuyên, nếu pH và độ kiềm thấp cần bón vôi tôi Ca(OH)2 trên bờ ao với lượng 10 – 20 kg/m2 hoặc bón vôi nông nghiệp CaCO3 200 – 300 kg/ha liên tục trong 2 – 3 ngày. Cần đắp bờ xung quanh ao, đặc biệt là mùa mưa để nước từ xung quanh không chảy xuống ao. Sau mỗi trận mưa lớn có thể bơm nước bề mặt để hạn chế sự phân tầng nước.
Hỏi: Xin cho hỏi tên một số loại thuốc giúp tôm chống chịu với điều kiện nhiệt độ tăng cao như hiện nay? (Phạm Như Minh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Hiện nay chưa thấy có loại thuốc nào giúp tôm chống chịu với điều kiện nhiệt độ tăng cao. Chỉ có một số khuyến cáo khi nuôi tôm trong điều kiện thời tiết tăng cao như: Tăng cường quạt nước, sục khí đáy, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong nước vào lúc thấp nhất trong ngày đạt 4 – 4,5 mg/lít. Trước và sau mỗi vụ nuôi yêu cầu cải tạo ao theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và quản lý tốt môi trường nuôi trong suốt quá trình nuôi. Định kỳ bổ sung Vitamin C và một số vitamin tổng hợp để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, giúp tôm chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nhiệt. Sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện, ổn định môi trường ao nuôi, tăng cường sức đề kháng, hấp thu dinh dưỡng cho tôm. Ngoài ra, có thể nâng mực nước ao nuôi lên cao để giảm sự thay đổi đột ngột và phân tầng nhiệt độ nước.