Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 5/2015 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Hồ thủy lợi chân núi Tam Đảo có thể nuôi cá nheo lồng được không, kỹ thuật nuôi như thế nào? (Hồ Anh Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Cá nheo là loài cá nước ngọt, dễ nuôi, có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường, phát triển tốt trong điều kiện nuôi lồng bè, phù hợp với điều kiện thủy lý, thủy hóa của đa số các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, có thể đưa vào nuôi lồng thương phẩm trên hồ thủy lợi chân núi Tam Đảo nếu môi trường nước đảm bảo trong sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp chảy vào. Lồng nuôi cá nheo thương phẩm có kích thước 4 – 8 m2, mật độ nuôi 25 – 30 con/m2 lồng. Thức ăn nuôi thương phẩm cá nheo là thức ăn công nghiệp hoặc cá tạp. Trong quá trình nuôi, định kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng 1 lần để đảm bảo lưu thông nước và loại bỏ chất bẩn bám quanh lồng.

 

Hỏi: Ao nuôi tôm nhiễm phèn nặng cần xử lý như thế nào? (Hoàng Hằng, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)

 

Trả lời:

Trên vùng đất bị nhiễm phèn thường tồn tại pyrite sắt dễ ôxy hóa, tạo thành hợp chất sắt hydroxit và giải phóng ion H+, làm cho ao có pH thấp và nhiễm phèn. Giải pháp cải tạo tốt nhất cho những vùng đất này là cải tạo ướt và xả nước liên tục. Nếu phơi đáy cũng không nên để có nhiều vết nứt chân chim. Sau đó bón vôi cho ao liều lượng 10 – 15 kg/100 m2, để nâng pH đáy, khử phèn, tạo hệ đệm cho ao. Lưu ý, rải vôi lúc chiều mát và cấp nước ngay sau 1 – 2 ngày. Sử dụng phân lân để gây màu nước cho các ao bị nhiễm phèn với mục đích khử sắt, giảm phèn và tăng lượng phospho giúp dễ gây màu.

 

Hỏi: Cá có nhiều nốt trắng đục ở mang; da, gốc vây bị lở loét. Đây là biểu hiện của bệnh gì và phương pháp xử lý như thế nào? (Lê Thị Thùy, xã Tảo Dương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội)

 

Trả lời:

Theo mô tả thì cá có triệu chứng bị bệnh trùng quả dưa do nguyên sinh động vật có tên là Ichthyopthirius multifiliis gây nên. Bệnh này thường xảy ra trên cá chép, mè, trôi, trắm, rô phi, basa, trê,… Trùng quả dưa thường ký sinh trên da, mang, vây của cá. Vị trí chúng ký sinh sẽ hình thành nhiều đốm màu trắng đục, có kích thước nhỏ, nhìn thấy bằng mắt thường. Những vị trí bị trùng quả dưa bám vào tạo có hội cho một số loại nấm phát triển, dễ gây lở loét.

Để phòng bệnh, cần cải tạo ao tốt trước và sau mỗi vụ nuôi để diệt mầm bệnh. Chọn giống khỏe mạnh. Trước khi thả nên tắm cá giống bằng muối ăn, nồng độ 2 – 3 ppm hoặc KMnO4, nồng độ 10 g/m3. Trị bệnh bằng phương pháp tắm cá bằng Formalin, 2 ngày/lần, nồng độ 250 ppm, trong khoảng 30 phút, tắm 3 lần liên tiếp. 

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!