Hỏi: Tôm bị bệnh đốm trắng và đỏ thân thì cần phải xử lý như thế nào? (Nguyễn Tuấn Minh – huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Bệnh đốm trắng xảy ra trên tôm là do vi rus gây ra. Hiện nay loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị, do vậy biện pháp duy nhất là thu hoạch khẩn cấp nếu tôm đã lớn; nếu tôm còn nhỏ thì nên cách ly ao đầm và dùng Chlorine liều lượng 30 – 40 ppm để tiêu diệt toàn bộ mầm bệnh trong ao, sau đó ngâm ao 7 – 10 ngày. Lưu ý: Nếu tôm bị đốm trắng thì không được thay nước, vì nguồn bệnh này nếu phát tán ra nguồn nước sẽ lây lan rất nhanh, dễ tạo thành đại dịch, gây thiệt hại lớn cho tôm nuôi tại địa phương. Đồng thời, bệnh sẽ ủ ở nguồn nước trong thời gian dài và tái bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Hỏi: Ao nước mặn rộng 4.000 m2, độ sâu trên 1 m, có nước thủy triều ra vào. Muốn cải tạo lại để nuôi cá thì phải làm thế nào và nuôi cá gì? (Hà Văn Sơn – TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Muốn cải tạo ao như trên để nuôi cá, bạn có thể thực hiện như sau:
Lựa thời điểm nước kém, tháo và bơm cạn hết nước trong đầm, dọn sạch cây que, gạch đá… và san phẳng đáy đầm, tu sửa cống, bờ ao cho chắc chắn.
Dùng vôi nông nghiệp (CaO), liều lượng 10 – 12 kg/100 m2 ao, rải đều xuống đáy và quanh bờ ao, sau đó trang đều cho vôi trộn lẫn vào bùn và phơi đáy 1 tuần (nếu có thể). Đến kỳ con nước, chọn thời điểm không mưa và con nước lớn nhất để lấy nước vào đầm (đảm bảo nước trong, sạch và độ mặn cao). Nước được lọc qua lưới để loại bỏ cá dữ vào ao, mức nước 1 – 1,2 m.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có sản xuất rất nhiều loại cá nước mặn, lợ phù hợp cho ao nuôi nhà bạn. Bạn có thể lựa chọn một trong những loại cá như: bống bớp, hồng mỹ, sủ đất và đối mục để thả nuôi. Khi liên hệ mua giống, bạn có thể yêu cầu nơi cung cấp giống tư vấn thêm về kỹ thuật nuôi. Chúc bạn thành công.