Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 5 (P. 6)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Lươn nuôi khi thu hoạch có hiện tượng quấn như rắn và cắn vào tay người nếu bị bắt, sau đó chết khoảng 30 – 50% (sau khi thu hoạch). Xin hỏi lươn bị bệnh gì và cách phòng trị? (Phạm Lan Hương – plhuong889@gmail.com)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời

Lươn quấn như rắn khi bắt có thể xảy ra các trường hợp: Các thao tác bắt lươn quá mạnh nên lươn quấn vào tay và cắn để tự vệ, đây là hiện tượng bình thường. Hoặc đối với những con lươn cái đã trưởng thành, vào mùa sinh sản chúng cũng rất hung dữ (sẵn sàng cắn bất cứ đối tượng nào xâm phạm lãnh địa, hay khi bị bắt).

Còn việc lươn chết nhiều sau khi thu hoạch, nguyên nhân có thể do nuôi công nghiệp lươn ít vận động, bị chết vì sốc khi bị bắt mạnh tay và nhốt trong điều kiện chật hẹp. Do vậy, bạn cần quan sát kỹ biểu hiện của lươn trước khi xuất bán và có những thao tác luyện cho lươn quen với điều kiện chật hẹp. Khi thu hoạch nên dùng vợt để bắt nhẹ nhàng, tránh gây stress cho lươn.

 

Hỏi: Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, giai đoạn đầu thả giống thì màu nước ao như thế nào là tốt? Làm thế nào để duy trì tảo lâu tàn, tảo tàn thì ảnh hưởng thế nào đến ao nuôi? Có cách nào tạo tảo nhiều tầng trong ao không? (Lê Phong – xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang)

 

Trả lời:

Trong nuôi tôm việc gây màu nước rất quan trọng, nhằm cung cấp thức ăn tự nhiên cho tôm, ngăn cản rong đáy phát triển, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan trong ao nhờ quá trình quang hợp của tảo. Mỗi màu nước biểu thị sự có mặt của những loài tảo khác nhau. Màu nước tốt nhất khi thả nuôi là màu trà, nâu trà, xanh nhạt hoặc xanh lục.

Tảo phát triển mạnh hay yếu phụ thuộc vào hàm lượng dinh dưỡng trong nước. Thông thường vòng đời của tảo kéo dài 3 – 5 ngày. Khi tảo phát triển mạnh trong ao và chết (tảo tàn), xác tảo sẽ phân hủy vừa tiêu tốn ôxy trong nước vừa sinh ra các loại khí độc đối với tôm nuôi. Để duy trì mật độ tảo vừa phải, đảm bảo nước ao luôn bền màu thì cần cho tôm ăn đủ lượng, tránh dư thừa để giảm hàm lượng dinh dưỡng trong nước, bón chế phẩm sinh học để ổn định tảo, định kỳ xiphông đáy ao 3 – 5 ngày/lần hoặc thay 10 – 15% nước khi tảo phát triển mạnh (màu xanh đậm đặc).

Hơn nữa, bạn không cần phải tạo tảo nhiều tầng trong nước vì chúng vẫn có mặt ở các tầng của nước (do hoạt động của tôm, sóng gió và quạt khí).

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!