Hỏi: Tôm thẻ chân trắng thả được 40 ngày, bị rớt đáy và mòn đuôi, chết rải rác, ao chuyển màu nước chè đậm. Vậy tôm bị bệnh gì, nguyên nhân và cách khắc phục? (Khánh Linh – huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Theo những biểu hiện mà bạn mô tả trên, chứng tỏ ao nuôi tôm nhà bạn có lượng mùn bã hữu cơ lớn, nước có nhiều vi khuẩn, nấm ký sinh. Có thể ao nuôi mật độ dày, đáy ao dơ do dư thừa thức ăn gây bệnh đứt đầu mòn đuôi, thối gãy phụ bộ trên tôm, bệnh này gây chết rải rác, nặng sẽ gây chết hàng loạt.
Khi tôm bị bệnh nên giảm 50% lượng thức ăn, xử lý nước ao bằng CIDEX: 1 lít/1.000 m³ nước, hoặc dùng SUNDINE 5,5 lít/1.000 m³ nước.
Có thể thay 15 – 20% lượng nước ao nếu có nước sạch; trộn men vi sinh, Vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn cho tôm, liều lượng 5 – 7 g/kg thức ăn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học bón xuống ao để tiêu độc và khoáng hóa nền đáy.
Hỏi: Ao nuôi tôm càng xanh rộng 1.000 m2, mật độ 7 – 8 con/m2, tôm gần thu hoạch nhưng đang chết rải rác (3 – 4 kg/ngày), tôm có biểu hiện đầu bị vàng, gan teo. Xin hỏi tôm bị bệnh gì và khắc phục như thế nào? (Mỹ Hằng – tỉnh An Giang, ĐT: 0164 951 8853)
Trả lời:
Theo như mô tả thì tôm nhà bạn có biểu hiện bị bệnh đầu vàng, bệnh này do virus gây ra, thường xuất hiện nhiều ở cuối vụ nuôi, khi chất lượng nước kém và nhiệt độ nước biến đổi nhiều. Tùy theo sức đề kháng của tôm và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà tỷ lệ chết khác nhau. Trường hợp này, tốt nhất bạn nên thu hoạch càng sớm càng tốt để tránh thiệt hại. Sau đó dùng Chlorine để xử lý ao nuôi (30 – 40 ppm) và ngắt vụ 2 – 3 tháng mới nuôi trở lại.
Hỏi: Đối với ao nuôi cá trê lai, mực nước như thế nào là phù hợp? (Phương Tuấn Tú – huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)
Trả lời: Cá trê lai là loài ăn tạp, tốc độ sinh trưởng cao, có thể nuôi được ở mật độ cao, hàm lượng ôxy hòa tan thấp. Do vậy, mực nước nuôi thích hợp cho cá ở ao và bể nên duy trì 0,7 – 1,2m.