Hỏi: Ếch bố mẹ có hiện tượng chết dần, nguyên nhân do bị bệnh gan. Xin hỏi, số ếch mẹ còn lại khi cho sinh sản thì nòng nọc có bị nhiễm bệnh gan không?(Hoàng Tú Nam – huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Theo mô tả thì ếch nuôi nhà bạn bị nhiễm bệnh do vi khuẩn Streptococcus gây nên, biểu hiện bệnh là ếch bỏ ăn, bụng có thể trương to, màu nhợt nhạt, mắt có thể bị lồi, mổ bụng thấy gan bị sưng to và nhạt màu. Ếch có thể bị chết rải rác đến hàng loạt. Những con còn lại đều ủ bệnh, có thể do kháng thể của chúng tốt và lượng vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể chưa đủ mạnh nên ếch vẫn sống sót. Nhưng nếu tiếp tục giữ lại nuôi để cho sinh sản thì cần phải chữa trị dứt điểm (khử trùng nước và bổ sung kháng sinh vào thức ăn), nếu không bệnh từ ếch mẹ sẽ tiếp tục lây truyền sang con. Do đó, bạn cần lưu ý đặc biệt trường hợp này.
Hỏi: Quy trình cải tạo ao nuôi tôm công nghiệp lần đầu như thế nào để đạt hiệu quả nhất? (Dương Bửu Hiếu – thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Đối với ao nuôi tôm công nghiệp, do mật độ thả cao nên việc chuẩn bị ao, thức ăn, con giống phải thật kỹ lưỡng.
Về quy trình cải tạo ao nuôi tôm công nghiệp lần đầu, cơ bản giống như quy trình cải tạo ao nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh. Tuy nhiên, cần lưu ý các vấn đề sau: Ao phải được nạo vét hết lớp bùn, đặc biệt là lớp bùn đen, sau đó dùng vôi CaO lượng 12 – 14 kg/100 m2 rải đều xuống ao. Nếu có điều kiện nên trải bạt nền đáy và xung quanh bờ ao. Bờ ao phải được đầm nén kỹ, tránh rò rỉ nước ao, đảm bảo độ sâu nước 1,2 – 1,5 m. Xung quanh bờ ao được quây bạt hoặc lưới, nhằm ngăn chặn cua, còng, cáy mang mầm bệnh xâm nhập vào ao, phía trên mặt ao căng lưới thưa hoặc lưới đen để ngăn chim cò mang mầm bệnh vào ao và hạn chế bức xạ của mặt trời khi nắng nóng, ổn định nhiệt độ nước ao nuôi. Cần chuẩn bị ao lắng, diện tích bằng 1/3 diện tích ao nuôi để xử lý nước trước khi cấp vào ao. Nước được xử lý bằng Chlorine, BKC, formol… liều lượng 15 – 20 ppm, sau đó dùng saponine 15 kg/1.000 m3 để diệt tạp. Cần tính toán lượng tôm trong ao nuôi để lắp đặt quạt khí phù hợp và nên sử dụng quạt lông nhím nhằm cung cấp ôxy xuống tầng đáy nhiều hơn.
Hỏi: Em muốn nuôi cua đồng và chạch bùn trong ao và ruộng lúa nhưng chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi. Xin được tư vấn kỹ thuật và nơi bán giống? (Lê Thị Duyên – huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời:
Cua đồng và chạch bùn là hai đối tượng nuôi trong ao đầm, ruộng lúa mang lại hiệu quả trong những năm gần đây. Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật nuôi, bạn có thể tìm đọc tại website: www.thuysanvietnam.com.vn. Hiện nay, việc sản xuất và cung cấp giống hai loài này tại một số cơ sở vẫn còn nhiều bàn cãi về chất lượng, nhất là cá chạch. Do vậy, để đảm bảo về thông tin con giống cũng như mô hình nuôi hiệu quả, bạn nên liên hệ trực tiếp đến Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa (ông Hoàng Hồng Chung, Trưởng phòng Thủy sản, ĐT: 0912 766 179). Chúc bạn thành công!