Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 7/2015 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Lươn nuôi trong bể xi măng, trên thân có nhiều đốm đỏ, nổi đầu. Lươn bị bệnh gì và cách phòng, trị? Tăng Văn Lành (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo mô tả thì lươn có triệu chứng bị bệnh đóng dấu. Bệnh thường xảy ra do lươn bị xây xát, khi đó các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào sinh sống và phát triển tạo thành những đốm đỏ. Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết hình tròn hay bầu dục màu đỏ, có thể xen lẫn một số vùng da bị lở loét lớn hơn. Đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở. Nếu bệnh nặng, đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, mệt mỏi, bơi lờ đờ, yếu dần rồi chết.

Phòng bệnh bằng cách giữ môi trường nuôi trong sạch, nuôi với mật độ vừa phải. Hạn chế các tác động làm cho lươn bị xây xát. Có thể trị bệnh bằng Cenplex Cu để tắm lươn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, còn có thể sử dụng Vime-fenfish 500 với liều lượng 1 lít/2,5 tấn lươn hoặc dùng Sulfamidine với liều lượng 0,5 g/50 kg lươn.

 

Hỏi: Tôm thẻ được 70 ngày tuổi có hiện tượng bỏ ăn, một số con bị mềm vỏ. Xin cho hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Nguyễn Văn Vinh (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời:

Tôm được 70 ngày tuổi, môi trường ô nhiễm, nền đáy đã tích lũy một lượng lớn chất thải hoặc tảo độc phát triển gây ảnh hưởng đến đường ruột tôm nuôi. Một số con mềm vỏ là do tôm không sử dụng được thức ăn hoặc chuyển hóa thức ăn không tốt. Để khắc phục hiện tượng này, cần sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và tăng cường kiểm soát lượng thức ăn, kết hợp quản lý môi trường đặc biệt là nền đáy, tăng cường bổ sung ôxy. Có thể cho tôm ăn thiếu một ít nhưng tuyệt đối không để thừa thức ăn. Thay nước kết hợp với xử lý nền đáy bằng biện pháp hút bùn hoặc xi phông đáy. Bổ sung một số vi lượng, khoáng chất vào thức ăn để tăng cường, kích thích tôm tiêu hóa, hấp thu tốt dinh dưỡng và ổn định đường ruột.

 

Hỏi: Sau đợt mưa lớn, nước ao nuôi tôm có màu xanh rất đậm. Nguyên nhân và cách khắc phục? Hoàng Tiến Hóa (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên)

Trả lời:

Khi mưa lớn, nhiệt độ nước giảm thấp kèm theo các yếu tố môi trường nước có nhiều biến động, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi làm tôm giảm ăn. Nếu không có chế độ cho ăn hợp lý sẽ gây ra hiện tượng thừa thức ăn, tích lũy chất thải hữu cơ trong ao. Sau thời gian đó nếu gặp nắng to sẽ tạo điều kiện cho tảo phát triển mạnh. Nếu không khắc phục kịp thời có thể gây thiếu ôxy cho tôm nuôi. Khắc phục bằng cách thay một phần nước cho ao nuôi, sau đó tăng cường bổ sung chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước. Trong quá trình xử lý cần bổ sung Vitamin C, khoáng chất để chống sốc cho tôm.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!