Hỏi: Làm cách nào để giữ hải sản sống được lâu trong bể tại nhà hàng? (Đinh Công Phi – TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Để hải sản sống lâu trong bể tại nhà hàng, bạn cần lưu ý các vấn đề như: Phải chọn mua những con khỏe mạnh, có bể nhốt riêng giữa cá, tôm, cua; Nước trong bể cần cấp ½ lượng nước biển, phần còn lại có thể dùng nước ngọt pha với muối ăn. Mật độ thả cần duy trì 15 – 20 kg/m3 (tùy loài); Bể được duy trì sục khí 24/24h; Lắp hệ thống lọc nước có than hoạt tính trong bể để lọc bỏ chất cặn bã và hấp thu NH3, CO2 (do tôm, cá thải ra). Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ những con yếu, chết để tránh ô nhiễm nước.
Hỏi: Để giảm thiểu lượng nitơ trong ao tôm, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nào? (Hồng Quế – tỉnh Quảng Bình, ĐT 0985 643 558)
Trả lời:
Hàm lượng nitơ trong ao nuôi thường được hình thành bởi quá trình bài tiết của tôm (NH3) và quá trình phân hủy thức ăn thừa, phân tôm và xác tảo (NO2) ở trong nước, nếu hàm lượng nitơ vượt quá ngưỡng sẽ gây chết tôm hàng loạt. Do vậy, cần phải giảm hàm lượng chất này trong ao, bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
Vét hết lớp bùn đáy (bùn đen) khi cải tạo ao, cho tôm ăn đủ tránh dư thừa, Bón chế phẩm sinh học có chứa các vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter để chuyển hóa NH4+thành nitrite (NO2) rồi chuyển thành nitrate (NO3) ở dạng không độc và được tảo hấp thụ. Để quá trình này thực hiện được thuận lợi thì phải duy trì pH ở ngưỡng 7,5 – 8.
Vận hành quạt khí cung cấp đủ ôxy cho quá trình phân hủy và các phản ứng hóa học xảy ra trong nước.
Hỏi: Nuôi tôm càng xanh toàn đực mang lại lợi ích gì và cơ chế của kỹ thuật này như thế nào? (Thanh Trọng – tỉnhAn Giang, ĐT: 0923 911 175)
Trả lời:
Khi tôm càng xanh nuôi được 4 tháng thì tôm cái sẽ ôm trứng để sinh sản nên không tăng trưởng nữa, còn tôm đực vẫn tiếp tục lớn. Do vậy, việc tạo ra tôm nuôi toàn đực có kích thước lớn, nhằm mang lại sản lượng cao trong quá trình nuôi.
Hiện nay, có 2 phương pháp để tạo ra tôm càng xanh toàn đực:
Phương pháp vi phẫu: Khi tôm được 15 – 20 ngày tuổi, dùng dụng cụ chuyên dụng cắt tuyến đực ở chân bò thứ 5 của tôm, làm cho những con tôm này chuyển giới tính thành con cái (cái giả) và những con cái này sẽ sinh sản ra thế hệ con toàn đực.
Phương pháp tiêm sợi đôi iRNA: Ở tôm càng xanh, sự biệt hóa của tuyến đực có liên quan đến gen insulin-like (gen điều khiển sự phát triển và chuyển hóa tôm con thành con đực). Do vậy, ở giai đoạn 20 ngày tiêm iRNA vào cơ thể tôm là tạo liên kết bất hoạt gen này, nên tuyến đực không thể hoạt động để tôm thành con đực mà sẽ phát triển thành con cái và chúng sẽ sinh sản ra thế hệ con toàn đực.