Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 7 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Trường hợp nước phát sáng trong ao nuôi tôm cần phải xử lý như thế nào? (Trần Ngởi – tỉnh Bạc liêu, ĐT: 0918 180 211)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Nước phát sáng trong ao tôm vào ban đêm là do vi khuẩn gây ra, tôm bị nhiễm vi khuẩn này sẽ có hiện tượng còi cọc, kém ăn và chết rải rác. Có thể sử dụng hóa chất (Chlorine, BKC, Vicato…) liều lượng 7 – 12 ppm để tiêu diệt vi khuẩn phát sáng trong ao. Tuy nhiên, khi diệt vi khuẩn phát sáng có thể sẽ diệt luôn tảo và các vi khuẩn có lợi trong ao. Lúc này, mùn bã hữu cơ dưới đáy ao không được phân hủy nên khả năng bùng phát trở lại hiện tượng này là rất lớn. Do vậy, cách xử lý an toàn hơn cả là sử dụng 2 loại chế phẩm sinh học Heterotrophic bacteria chứa vi khuẩn Bacillus, Pseudomonas, Escherichia… và Autotrophic bacteria chứa Nitrosomonas, Nitrobacter… với liều lượng gấp 4 lần so với mức bình thường. Các loại vi sinh được bón xuống ao sẽ phân hủy chất hữu cơ dưới nền đáy và chuyển hóa các khí độc trong nước, đồng thời phát triển mạnh, cạnh tranh thức ăn và không gian sống của vi khuẩn phát sáng, làm cho vi khuẩn tàn lụi. Để duy trì sự phát triển của vi khuẩn có lợi, bạn nên cung cấp đủ ôxy xuống tận tầng đáy bằng quạt khí và duy trì bón chế phẩm sinh học với liều lượng bình thường (ghi trên bao bì) định kỳ 7 – 10 ngày/lần.

 

Hỏi: Tôm nuôi 30 ngày bị bệnh phân trắng, xin hỏi cách phòng trị hiệu quả? (Đoàn Thanh Hải thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận)

Trả lời:

Nguyên nhân bệnh phân trắng do nền đáy bị dơ, tôm kiếm mồi dưới nền đáy ăn phải vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, hay trường hợp thức ăn cho tôm bị mốc, ôi thiu. Biện pháp phòng trị như sau:

Phòng bệnh: Cải tạo ao tốt, thả mật độ vừa phải, cho ăn thức ăn vừa đủ và xiphông đáy định kỳ. Duy trì hệ vi sinh vật có lợi trong nước bằng bón chế phẩm sinh học.

Trị bệnh:

Giảm 30 – 40% lượng thức ăn cho tôm, trộn men vi sinh vào thức ăn cho tôm ăn hàng ngày, đồng thời bổ sung thuốc bổ gan Glucan (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì) để giúp cho tôm tiêu hóa được tốt. Tiến hành khử trùng nước bằng Chlorine liều lượng từ 7 – 10 ppm và bón lại chế phẩm sinh học sau 1 ngày để cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi.

 

Hỏi: Trong bể cá cảnh nước mặn có nuôi thêm hải quỳ và san hô, nhưng chỉ được một thời gian thì hải quỳ và san hô đều chết. Xin hỏi nguyên nhân và cách xử lý? (Hà Phương – TP Hà Nội, ĐT: 0169 683 2680)

Trả lời:

Hải quỳ và san hô sống được trong nước biển là nhờ sử dụng hàm lượng khoáng có trong nước biển để cấu tạo nên bộ xương của chúng. Ở bể cá cảnh sử dụng nước biển một thời gian thì hải quỳ và san hô sẽ hút hết hàm lượng khoáng nên chúng bị chết là điều dễ hiểu. Do vậy, bạn phải định kỳ thay nước trong bể, bổ sung nước biển mới để làm nước sạch hơn, đồng thời cung cấp lượng khoáng giúp hải quỳ và san hô sinh trưởng tốt.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!