Hỏi: Xin cho biết đặc điểm cơ bản nhất của đời sống loài cua biển nuôi ở nước ta? (Nguyễn Tùng Minh – huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Ở nước ta, thường nuôi 2 loại cua biển là cua xanh (cua sen – Scylla paramamosain) và cua lửa (Scylla olivacea). Cua xanh có kích cỡ lớn hơn cua lửa và có màu xanh; cua lửa nhỏ hơn và có màu nâu, càng đỏ chậm lớn và rất hung dữ, nên trong nuôi cua thịt thì cua xanh được ưa chuộng hơn.
Vòng đời của cua biển trải qua các giai đoạn khác nhau như ấu trùng Zoae, Mysis, cua con và cua trưởng thành. Ở mỗi một giai đoạn, cua có hình dạng và đặc tính sinh học khác nhau.
Cua thường sống trong các đầm phá bãi triều cửa sông, nơi nước có độ mặn từ 5‰ trở lên. Ban ngày cua thường ẩn mình trong các hang hốc hoặc trầm mình dưới bùn, ban đêm mới bò lên kiếm ăn, thức ăn là động vật cỡ nhỏ (tôm, cá, giáp xác, nhuyễn thể…) và các loại rong rêu. Cua có thể sinh sản quanh năm, tùy vào từng địa phương mà mùa vụ sinh sản chính khác nhau. Vùng ĐBSCL, mùa vụ sinh sản cua từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. Cua thành thục sau 1 – 1,5 năm. Khi thành thục (cua gạch) sẽ di cư ra vùng nước có độ mặn cao (30 – 35‰) để đẻ trứng. Sức sinh sản cua dao động 300 nghìn – 3 triệu trứng/cua cái. Cua cái ấp trứng trong xoang yếm 9 – 12 ngày trứng sẽ nở. Ấu trùng mới nở ăn phiêu sinh động vật trong nước và theo thủy triều quay trở lại các đầm phá, bãi triều và phát triển thành cua con sau 30 – 40 ngày. Cua con và cua trưởng thành có thể chịu được độ mặn biến đổi 3 – 50‰; pH thích hợp cho cua 7,5 – 8,5, nhiệt độ 26 – 300C.
Cua có khả năng tái sinh những bộ phận của cơ thể như chân, càng thông qua quá trình lột xác.
Hỏi: Chọn cá lóc bố mẹ đưa vào nuôi vỗ cần quan tâm đến vấn đề gì? (Phạm Văn Mạnh – huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh)
Trả lời:
Khi chọn cá lóc bố mẹ đưa vào nuôi vỗ cần quan tâm đến vấn đề sau:
Cá bố mẹ được chọn phải từ một năm tuổi trở lên, cỡ cá 0,6 – 0,8 kg/con, nguồn gốc cá đực và cái phải xa nhau để tránh hiện tượng cá con sinh ra có sức sống thấp do cận huyết. Tỷ lệ đực/cái đưa vào nuôi vỗ là 1/1.
Cá phải khỏe mạnh, không bị trầy xước, vây, vẩy đầy đủ và không dị hình, không bị ủ bệnh. Trước khi thả giống xuống ao, cá cần được tắm nước muối (2 – 3%) khoảng 10 – 15 phút để sát trùng. Nên chọn mùa vụ nuôi vỗ từ tháng 10 – 12 hàng năm hoặc trước mùa sinh sản từ 2 – 3 tháng.
Hỏi: Thu và ấp trứng baba như thế nào để đạt hiệu quả cao? (Vũ Văn Cung – huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái)
Trả lời:
Baba là loài phàm ăn nhưng chậm lớn, thở bằng phổi, sống ở dưới nước là chính. Baba có tính hung dữ, nhưng lại nhút nhát thường chạy trốn khi nghe có tiếng động.
Baba đẻ trứng trên cạn, thụ tinh trong. Có thể kéo dài thời gian thụ tinh tới 6 tháng, nên khi cho đẻ tỉ lệ con đực thường ít hơn con cái. Mùa sinh sản chính: cuối xuân đầu thu. Baba thường đẻ rộ vào những ngày mưa to, sấm chớp nhiều, cần theo dõi để xác định baba đẻ. Kiểm tra thấy cát mới và các vết móng đào đất lấp ổ trứng mới đẻ của baba cái; nhẹ nhàng lật lớp cát mỏng phủ phía trên, thấy lỗ nhỏ, đường kính miệng 4 – 5 cm, sâu 10 – 15 cm. Trứng xếp lần lượt từ đáy lên miệng, lúc mới đẻ thường dính vào nhau, vỏ hơi mềm. Khi baba đẻ xong cần thu và phân loại trứng (trứng tốt to đều, nửa trắng nửa hồng). Trứng được ấp trong chậu hoặc bể cát (dày 25 – 30 cm ), xếp xen kẽ nhau, quả cách quả 3 – 5 cm, phủ cát dày 5 – 7 cm. Trên mặt bể cát để hình lòng chảo, ở giữa đặt 1 ống nhựa đứng đường kính 15 – 20 cm. Khi trứng nở baba con sẽ bò ra giữa và rơi xuống ống nhựa, thu và chuyển ra bể ương nuôi. Bể được đặt ở trong phòng, duy trì đủ ánh sáng, độ ẩm 70 – 80%, nhiệt độ 30 – 340C. Lưu ý, tránh rắn, chuột, mèo vào phá hủy trứng.
Sau khi baba nở 1 – 2 ngày có thể kiểm tra trứng chưa nở, những trứng nứt nhưng không nở được thì dùng tay bóc nhẹ vỏ trứng giúp baba con nở và sống tốt.