Hỏi: Sau thời gian mưa lớn kéo dài, thấy tôm có nhiều con bị dính chân không thể rút ra khỏi vỏ khi lột xác. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Lê Văn Sang, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Theo các dấu hiệu mô tả thì nguyên nhân là do pH và độ kiềm thấp. Thường xuất hiện ở các ao nuôi có độ mặn thấp hoặc nuôi tôm trái vụ vào mùa mưa hoặc những ao nuôi trên những vùng đất nhiễm phèn tiềm tàng. Sau mỗi trận mưa axit từ bờ ao bị rửa trôi, xả xuống làm pH giảm, thậm chí ngay cả khi đáy ao đã được xử lý cải tạo tốt từ ban đầu. Khắc phục hiện tượng trên cần kiểm tra chất lượng nước thường xuyên, nếu pH và độ kiềm thấp cần bón vôi nông nghiệp CaCO3 200 – 300 kg/ha, liên tục trong 2 – 3 ngày. Trước những cơn mưa lớn cần rải vôi tôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 – 20 kg/m2 để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột.
Hỏi: Xin cho hỏi phương pháp sinh sản nhân tạo cá chạch? (Nguyễn Trọng Nhân, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)
Trả lời:
Để tiến hành sinh sản nhân tạo cá chạch cần: lựa chọn chạch bố mẹ đã thành thục tốt. Chạch cái thân dài 13 cm, nặng trên 20 g, bụng to và mềm, không bệnh tật, màu vàng cam, chạch đực dài trên 10 cm. Sau đó, tiêm kích dục tố, thường dùng là não thùy cá chép hoặc LRHa + DOM và HCG, liều dùng cho 1 chạch cái là 1 não thùy cá chép hoặc 100 – 150 UI HCG. Liều dùng cho chạch đực bằng 50% cá cái. Vị trí tiêm ở đường giữa phần bụng đoạn giữa vây ngực và vây bụng. Tiêm xong bỏ cá vào giai cước cho chạch đẻ trứng. Trong giai treo các tổ đẻ, mỗi giai thả 20 – 40 con, tỷ lệ đực:cái khoảng 1:1 hoặc 1:2. Thời gian cá đẻ ở điều kiện nhiệt độ nước 28 – 300C, thời gian hiệu ứng thuốc sau khi tiêm lần quyết định 18 – 24 giờ. Hoặc gieo tinh nhân tạo bằng cách mổ chạch đực lấy sẹ, cắt nhỏ, dầm vào nước muối sinh lý, sau vuốt trứng cá cho vào thụ tinh, trứng thụ tinh rắc bám dính vào tổ cá, đưa tổ cá vào bể ấp. Sau khi ấp khoảng 46 – 55 giờ trứng sẽ nở thành cá bột.
Hỏi: Trong mô hình nuôi cá – lúa kết hợp, nên chọn nuôi đối tượng cá và giống lúa nào? Phương thức thực hiện? (Phạm Văn Năm, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội)
Trả lời:
Trong ruộng lúa thì nuôi cá chép là thích hợp nhất. Do cá chép tận dụng tốt nguồn thức ăn là mùn bã hữu cơ sẵn có trong ruộng. Ngoài ra, có thể trồng lúa kết hợp với một số đối tượng nuôi khác như cá mè, rô phi, trôi. Mật độ nuôi ghép cá trong ruộng lúa 0,1 – 0,2 con/m2 trong trường hợp không cần cung cấp thêm thức ăn trong suốt quá trình nuôi. Mật độ nuôi 0,2 – 0,5 con/m2, cần bổ sung thức ăn với khẩu phần 2 – 3% trọng lượng thân. Nuôi ghép cá trong ruộng lúa nên thả cá giống cỡ lớn, 100 – 500 g/con, tùy vào điều kiện đầu tư. Cùng đó, chọn giống lúa cứng cây, kháng sau bệnh tốt như MTL – 141, MTL – 149, MTL – 159, IR60820-81-2-1, IR64… Thả cá vào ao trữ nước và mương bao quanh ruộng lúa trước khi cấy lúa hoặc gieo sạ vài ngày. Sau khi lúa gieo sạ được 40 – 50 ngày (sau cấy 20 – 30 ngày) tiến hành dâng nước lên mặt ruộng để cá có thể bơi lên để tìm kiếm thức ăn.