Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8/2016 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm nuôi 40 ngày, nước ao có màu đậm, nhiều con bị mòn đuôi, chết rải rác. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Nguyễn Toàn Đại, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo mô tả, ao nuôi tôm có dấu hiệu tích lũy một lượng lớn mùn bã hữu cơ, trong môi trường nước có nhiều vi khuẩn, nấm ký sinh. Nguyên nhân có thể do dư thừa thức ăn, môi trường nuôi bị ô nhiễm khiến tôm bị một số bệnh đứt đầu, mòn đuôi, thối gãy phụ bộ, bệnh này gây chết rải rác, nặng sẽ gây chết hàng loạt. Để khắc phục, có thể thay 15 – 20% lượng nước ao nếu có điều kiện; trộn men vi sinh, Vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn cho tôm, liều lượng 5 – 7 g/kg thức ăn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học bón xuống ao để giảm hàm lượng khí độc và khoáng hóa nền đáy.

 

Hỏi: Lươn nuôi toàn thân màu đỏ sẫm, xuất huyết mang, chết hàng loạt. Lươn bị bệnh gì và chữa trị như thế nào? (Võ Trọng, TP Cần Thơ)

Trả lời:

Với những dấu hiệu như mô tả thì lươn đã bị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrphila. Khi bị bệnh, lươn thường bỏ ăn, lờ đờ, chuyển màu sẫm, cơ thể xuất hiện những vết loét hoặc xuất huyết ở mang. Bệnh nặng có thể gây chết hàng loạt. Khi phát hiện lươn bệnh cần ngưng cho ăn ngay, loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi bể nuôi và vệ sinh bể. Dùng thuốc Oscill Alga Strong liều lượng 20 ml/m3, để tắm cho lươn, thời gian 4 – 6 phút. Sau khi xử lý bể nuôi và lươn, lấy nước mới, dùng kháng sinh TRIMDOX New liều lượng 5 g/kg thức ăn, cho lươn ăn liên tục 5 – 7 ngày.

 

Hỏi: Xin hỏi kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể xi măng? (Tiền Thanh Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Bể xi măng để nuôi cá lóc thường được xây hình chữ nhật để tiện chăm sóc, với thể tích 5 – 10 m2. Bên trong bể được trát phẳng, bo tròn các góc, lắp đường ống cấp – thoát nước, che mái hoặc để ngoài trời. Nếu không có nguồn nước sạch (kênh, mương thủy lợi, ao) thì nên khoan giếng để cấp nước cho bể. Dùng lưới thưa vây xung quanh hoặc trên mặt bể để ngăn cá thoát ra ngoài, vì cá lóc có thể nhảy cao 1,5 – 2 m. Bể xây xong cần ngâm nước nhiều lần với thân cây chuối và chà xát thành, đáy nhằm loại bỏ nước xi măng ngấm ra ngoài ảnh hưởng đến cá nuôi. Sau khi ngâm cọ bể sạch, bơm nước vào (0,5 m) để 2 ngày rồi tiến hành thả giống.

Chọn cỡ cá giống 4 – 6 cm, kích cỡ đều, không dị hình và phản xạ tốt. Mật độ thả 7 – 15 con/m2. Dùng thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp, khi cá còn nhỏ nên xay cá tạp hoặc cám công nghiệp đạm cao (> 35%) cỡ vừa miệng cá, bổ sung thêm khoáng, Vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho cá. Cho cá ăn tháng đầu (4 lần/ngày),lượng thức ăn chiếm 7 – 10% trọng lượng cá; các tháng sau cho ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn giảm, chiếm 5 – 7% trọng lượng cá. Trong 2 tháng đầu nên thay nước 1 lần/ngày, những tháng sau thay 2 lần/ngày và tăng mực nước bể lên 0,7 – 1 m.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!