Hỏi: Ao nuôi tôm được 30 ngày, pH tăng lên đến 9 vào buổi sáng và 9,5 vào buổi chiều. Xin hỏi liệu có vấn đề gì không và cách xử lý thế nào? Nguyễn Văn Tường (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Trong ao nuôi tôm, pH thích hợp khoảng 7,8 – 8,5. Khi pH > 9, trong ao nuôi tích lũy một lượng NH3 gây độc cho tôm nuôi. pH tăng do tảo phát triển nhiều, khi quang hợp hấp thụ nhiều CO2. Ao nuôi 30 ngày mà pH tăng cao báo hiệu trong ao tích lũy một lượng chất hữu cơ khá lớn. Để pH ổn định cần đảm bảo chất lượng nước và kiểm soát sự phát triển của tảo. Có thể xử lý bằng cách thay thế một phần nước để giảm ô nhiễm hữu cơ và mật độ tảo trong ao nuôi. Sau đó sử dụng mật rỉ đường hoặc chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước.
Hỏi: Xin cho hỏi phương pháp chọn giống và nuôi cua đồng thương phẩm? Lê Văn Nhân (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương)
Trả lời:
Nuôi cua đồng thương phẩm có thể nuôi trong ao hoặc nuôi trong ruộng, bãi. Ao nuôi có diện tích 1.000 – 2.000 m2, sâu 0,5 – 0,8 m. Ruộng bãi có diện tích 200 m2 trở lên có các mương nuôi tạm ở các góc ruộng, kích thước mương 4 x 6 m, sâu 0,3 – 0,5. Xung quanh ao, ruộng nuôi cần che chắn để tránh cua bò ra ngoài. Chọn giống khỏe mạnh, kích thước đồng đều, không thương tật. Thời điểm thả giống vào tháng 2 – 4. Mật độ thả nuôi 30 con/m2. Trong ao, ruộng bổ sung thêm rau, cỏ để làm nơi trú ẩn và làm thức ăn bổ sung cho cua. Có thể sử dụng thức ăn dạng hạt hoặc cá tạp, phế thải động vật băm nhỏ, vừa cỡ miệng làm thức ăn cho cua. Khẩu phần ăn của cua từ 5 – 8%, cho ăn 2 lần/ngày, bữa sáng 20 – 40% lượng thức ăn, bữa chiều 60 – 80% lượng thức ăn. Những tháng cuối chu kỳ nuôi cần tăng thêm lượng thức ăn là động vật. Định kỳ thay nước 1 tuần/lần để kích thích tôm lột xác. Sau khoảng 8 tháng nuôi cua đạt kích thước thương phẩm, tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ.