Hỏi: Ao nuôi có rất nhiều màng xanh, xin hỏi có ảnh hưởng đến cá nuôi không? (Nguyễn Văn Mạnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Ao nuôi cá có rất nhiều màng xanh là do sự phát triển quá mức của tảo. Nếu tảo phát triển quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt cho cá nuôi; bởi tảo cạnh tranh trực tiếp nguồn ôxy hòa tan. Trong khi, ôxy hòa tan trong nước không đủ nhu cầu hô hấp của cá, cá có thể biểu hiện nổi đầu, nhất là vào nửa đêm hoặc gần sáng. Nếu tình trạng này kéo dài, cá sẽ bỏ ăn, chậm lớn, sức đề kháng với bệnh tật kém, có thể gây chết. Để kiểm soát quá trình phát triển của tảo cần kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn và cách cho cá ăn, xử lý môi trường nuôi bằng cách định kỳ bón một số loại như vôi bột, hóa chất khử trùng (Vicato, BKC, Chlorine… ) hoặc Enzyme.
Hỏi: Ếch bị đỏ đùi, nghẹo cơ rồi chết? Cho hỏi nguyên nhân và cách phòng bệnh? (Bùi Văn Tiến, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Theo mô tả, ếch bị bệnh do vi khuẩn gây nên. Nguyên nhân do môi trường nước bị ô nhiễm, nước bẩn, chế độ chăm sóc không đảm bảo khiến cho ếch bị suy nhược, sức đề kháng yếu. Khi bị bệnh, đùi ếch có những đốm đỏ, sau vài ngày nếu không chữa trị sẽ phát triển thành các vết loét. Phòng bệnh bằng cách đảm bảo nguồn nước sạch, thay nước thường xuyên để giữ vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh, tẩy trùng dụng cụ cho ăn. Đảm bảo số và chất lượng thức ăn trong từng giai đoạn phát triển của ếch. Không khuấy động làm ếch giật mình, stress. Theo đó, nên cho ăn thức ăn tươi, sạch. Khi có triệu chứng bệnh, cần thay nước. Sau đó, dùng Sunfat đồng phun xuống ao và vườn. Liều lượng 1,5 g/m3.
Hỏi: Lô hàng thủy sản xuất khẩu phải đảm bảo các yêu cầu như thế nào? (Nguyễn Hoài Thương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)
Trả lời:
Yêu cầu của lô hàng thủy sản xuất khẩu được quy định tại Điều 22, Mục 1, Chương 3, Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về Kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản quy định như sau: Sản phẩm được sản xuất từ cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện, đáp ứng các quy định về bảo đảm ATTP của các nước nhập khẩu tương ứng. Ngoài các thông tin bắt buộc theo quy định của nước nhập khẩu, lô hàng xuất khẩu phải có thêm các thông tin như: mã số cơ sở sản xuất, mã số lô hàng.
Lô hàng thủy sản xuất khẩu được phép ghi trên nhãn các thông tin theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nhưng không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu. Trường hợp lô hàng xuất khẩu được sản xuất từ các cơ sở sản xuất khác nhau phải đáp ứng các điều kiện: Cơ sở thực hiện các công đoạn khác nhau phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của Việt Nam và của thị trường tiêu thụ sản phẩm; Các cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có văn bản cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý của Cơ quan kiểm tra trong trường hợp lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo hoặc cơ quan kiểm tra phát hiện vi phạm về chất lượng ATTP; Đồng thời, có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản xuất và kiểm soát chất lượng ATTP đối với các công đoạn sản xuất do cơ sở mình thực hiện, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.