T2, 06/07/2020 10:18

Hối hả vươn khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau những chuyến biển thành công, nhiều tàu cá ở Thăng Bình, Quảng Nam lại hối hả vươn khơi và được địa phương “tiếp sức” bằng nhiều phương án hiệu quả…

Kỳ vọng từ chuyến đi mới

Ông Trần Công Chi (thôn Bình Tân, Bình Minh), chủ tàu cá QNa 94619 TS công suất máy 420 CV, hối hả chuẩn bị cho chuyến câu mực khơi. Ông bảo, đây là chuyến biển đầu năm nên gia đình đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Sau khi mua nhiên liệu và nhu yếu phẩm đủ dùng cho 31 thành viên trên tàu (dự kiến đánh bắt tại vùng biển Trường Sa trong vòng 2 tháng rưỡi), gia đình đã chi trả hết 450 triệu đồng. “Năm nay, tôi thấy thời tiết thuận lợi, gió nồm thổi như thế này thì nghề biển dễ ăn nên làm ra lắm! Năm trước, gia đình tôi xuất bến vào mùng 10. Năm nay chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, sửa chữa máy móc tàu nên ra khơi trễ hơn ít ngày” – ông nói. Cũng theo ông Chi, mặc dù chi phí tăng mạnh, nhưng năm 2012 với 4 chuyến biển thành công gia đình cũng thu được 800 triệu đồng (sau khi khấu hao chi phí, chi trả công lao động cho 30 người đi bạn).

Ngư dân huyện Thăng Bình đã có mùa biển bội thu.Ảnh: Q.VIỆT 

Ngư dân huyện Thăng Bình đã có mùa biển bội thu – Ảnh: Q.Việt

Hiện tại, đội tàu cá của toàn huyện Thăng Bình có 99 phương tiện công suất lớn, trong đó 26 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ bằng nghề câu mực khơi. Vào thời điểm này, phương tiện của ông Trần Xuân Thâm (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) cũng sắp sửa vươn khơi. Ông Thâm cho biết: “Năm ngoái, gia đình chúng tôi thực hiện tất cả 5 chuyến biển. Trung bình mỗi chuyến, phương tiện của chúng tôi thu được 25 tấn mực khô, bán khoảng 75.000 đồng/kg được 1,7 tỷ đồng. Sau khi trừ “tổn” (chi phí), gia đình thu hơn 200 triệu đồng, mỗi người đi bạn được chia gần 50 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất lớn sau khi chúng tôi chuyển sang từ nghề lưới vây”. Theo ông Thâm, mọi năm để tìm cho đủ 29 thành viên của một chuyến biển rất khó. Do giá xăng dầu lên giá, nhiều người đi bạn lo ngại thu nhập sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, nhờ bội thu mực xà từ các chuyến biển năm trước, nên năm nay những người đi bạn rất háo hức. “Để tàu ra khơi, gia đình đã mua sắm 12.000 lít dầu, 10 thùng dầu nhớt, hơn tấn gạo, 50 bình gas, thịt hộp và mấy chục cây thuốc lá, rồi cà phê… Tổng cộng hết 210 triệu đồng. Nếu việc sản xuất trên biển ổn định, thì việc hoàn trả khoản chi phí này không khó khăn lắm” – ông Thâm tính toán.

Câu mực khơi là nghề đem lại thu nhập cao cho ngư dân Thăng Bình, nhưng các nghề khác như lưới cản, lưới rê… cũng giúp nhiều gia đình cải thiện thu nhập. Đang bận chuẩn bị cho chuyến đi biển làm nghề lưới rê, ông Trương Công Thêm (thôn 1, xã Bình Dương) chia sẻ: “Nhờ những chuyến biển thành công, ngoài việc lo toan chu đáo cho con cái học hành, năm qua gia đình tôi đã sắm sửa thêm nhiều vật dụng thiết yếu như máy giặt, tủ lạnh. Năm này, thời tiết thuận lợi nên chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng cho các chuyến đi sắp tới. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi có thể hoàn lại nguồn vốn vay để đóng mới con tàu có công suất 90CV”.

Tiếp sức

Hiện tại, xã Bình Minh là địa phương hoạt động nghề cá nổi bật nhất của huyện Thăng Bình. Ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, thời gian qua hoạt động khai thác hải sản của địa phương rất khởi sắc. Thành công là nhờ tận dụng tốt các cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh và hỗ trợ nhiên liệu đi – về trong mỗi chuyến biển xa. “Sau khi tham khảo các hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang (Núi Thành), chúng tôi thấy việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở địa phương là rất cần thiết. Địa phương đã có kế hoạch và đang xúc tiến thành lập nghiệp đoàn để ngư dân trên địa bàn xã yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống” – ông Bảy nói. Hoạt động khai thác hải sản ngoài khơi xa luôn đối diện rất nhiều khó khăn như sự bất lợi của thời tiết, bảo quản sản phẩm sau khai thác, tàu thuyền gặp nạn… Bởi vậy, các tàu cá khi ra khơi rất cần sự liên kết, hợp tác với nhau để tạo được sức mạnh đồng bộ, bền vững; tăng sản lượng khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm thu được.

Tuyên truyền, vận động để ngư dân trên địa bàn tiếp tục được hưởng lợi từ việc khuyến khích sản xuất trên các vùng biển xa là một trong các kế hoạch đang được UBND huyện Thăng Bình triển khai. Hiện tại, địa phương cũng đang tập trung các nguồn lực để củng cố, tăng cường sức mạnh của 3 hội nghề cá xã Bình Nam, Bình Minh và Bình Hải, phấn đấu thành lập thêm hội nghề cá xã Bình Dương. Việc nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển cũng được chú trọng. “Trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở chế biến hải sản hoạt động tương đối mạnh. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất thủy sản nói chung, địa phương đang có kế hoạch quy hoạch làng chế biến hải sản. Điều này cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh việc bị tư thương ép giá hải sản. Sau khi đã đào tạo được lớp thuyền trưởng và máy trưởng hạng 4, trong điều kiện của mình, địa phương cũng đang tìm cách giúp ngư dân huy động thêm nguồn vốn để có thể đóng tàu lớn vươn khơi”, ông Phan Công Vỹ – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết thêm.

 >> Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân đã phát huy hiệu quả, năm 2012 Thăng Bình có một mùa biển bội thu, khai thác đạt 10.300 tấn, tăng 3.927 tấn so với năm 2011, vượt hơn 40% kế hoạch năm. Giá trị kinh tế của ngành khai thác hải sản đạt 214 tỷ đồng, chiếm 40% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2013, Thăng Bình đề ra chỉ tiêu khai thác 10.000 tấn.

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!