Hội Nghề cá Quảng Nam: Khai thác thế mạnh, duy trì hoạt động

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ 300 hội viên ban đầu, sau 12 năm hoạt động, đến nay, Hội Nghề cá Quảng Nam đã có 782 hội viên, hoạt động rộng khắp, làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế.

Bước đầu hiệu quả

Đánh giá về kết quả hoạt động của Hội Nghề cá Quảng Nam, ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội cho biết, nhìn chung thời gian qua, công tác Hội từ tỉnh đến các xã đã đạt được những kết quả nhất định.

Xác định được vai trò và tác dụng của Hội đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông ngư dân, Hội luôn lắng nghe, tham gia ý kiến và đề xuất các giải pháp đối với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nông ngư dân; chủ động tham gia góp ý xây dựng vào các cơ chế, chính sách có liên quan đến quyền lợi và sự phát triển kinh tế thủy sản của nông ngư dân như : Chính sách hỗ trợ giá nhiên liệu, mua bảo hiểm, máy thông tin liên lạc, đào tạo thuyền trưởng máy trưởng… một số chính sách phát triển thủy sản đồng bộ theo Nghị định 67; chính sách về hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình về nuôi thủy sản tập trung, hiệu quả…

hội nghề cá quảng nam nuôi thủy sản

TTCT được xác định là đối tượng chủ lực của tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Sao Mai

 

Nhiều khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội chưa thu hút sự tham gia đông đảo của lao động nghề cá; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của nghề cá tỉnh Quảng Nam. Nhận thức về công tác Hội chưa sâu sắc, chưa chú trọng đến định hướng và nội dung hoạt động, chưa bám sát với thực tiễn và chưa nhận được nhiều chia sẻ, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của hội viên. Lĩnh vực thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ của Hội còn nhiều hạn chế…

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hoạt động của Hội, một số hội viên cho rằng, nhiều hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản vẫn còn mang tính tự phát, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, trình độ kỹ thuật tay nghề thấp, khả năng tổ chức quản lý sản xuất hạn chế. Nhận thức về xử lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản còn bất cập, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản… vẫn diễn ra.

 

Tiếp tục củng cố hoạt động

Phương châm của Hội là tăng cường phối hợp với các tổ chức khuyến nông, viện, trường, doanh nghiệp… để tranh thủ các nguồn lực tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật đến nông, ngư dân. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia góp ý vào các chương trình, dự án, các văn bản pháp luật có liên quan đến nghề cá. Hợp tác với các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ nhằm tranh thủ nguồn lực để tiếp cận, tìm hoạt động phù hợp.

Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, Hội tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Hội Nghề cá cơ sở (huyện, xã), kết nạp hội viên tập thể là cơ quan quản lý chuyên ngành và Hội Nghề cá địa phương để tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Xác định đối tượng nuôi chủ lực là con tôm, Hội hướng dẫn đầu tư phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cho năng suất cao tại các vùng nuôi tôm bằng hình thức lót bạt. Khuyến khích phát triển các đối tượng khác như cua, rong câu, cá tại các ao nuôi tôm kém hiệu quả, khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước lớn (hồ chứa nước ngọt) để phát triển nuôi thâm canh (lồng, bè) các đối tượng có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ ổn định. Trong khai thác, chú trọng khai thác tại các vùng biển xa, đúng quy định, tổ chức lại nghề cá gần bờ theo hướng giảm dần các loại nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, tổ chức quản lý cộng đồng.

>> Qua 3 đợt rà soát, thẩm định hồ sơ, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam giải ngân 3,716 tỷ đồng hỗ trợ phí mua bảo hiểm cho 3.280 thuyền viên và 143 tàu cá. Tính chung, đến thời điểm này, Quảng Nam có 219 chủ tàu cá tham gia bảo hiểm, chiếm gần 50% tổng số chủ tàu cá hiện có tại tỉnh.

Lâm Du

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!