Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế hiện có hơn 6.000 hội viên, 70 chi hội. Quyết định giao quyền khai thác thủy sản cho chi hội quản lý đã đem lại hiệu quả khai thác cho các hội viên, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ra đời từ thực tế
Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế, hiện nay, đã có một số chi hội phối hợp chặt chẽ với UBND xã làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp các nghề khai thác trên đầm phá, giảm bớt các nghề cố định, khơi thông luồng lạch, lợi ích kinh tế cao. Trên toàn tỉnh, đã có 36 chi hội nghề cá được UBND các huyện cấp 34 quyền khai thác thủy sản trong khu vực đầm phá, được trao quyền với 14.500 ha và 10 chi hội nghề cá cơ sở quản lý 10 khu bảo tồn thủy sản quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng, với 307,7 ha, chiếm khoảng 1,5% tổng diện tích đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của việc giao quyền khai thác cho chi hội địa phương, ông Hiền cho biết: Trong quy chế của UBND tỉnh có nội dung liên quan đến quản lý và khai thác thủy sản trên đầm phá; Theo đó, Hội Nghề cá là cơ quan tham mưu trực tiếp giao cho chi hội cơ sở quản lý diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, từ đó, chủ động tham gia khai thác, huy động lực lượng hội viên hoạt động hiệu quả. Tổ chức ngư dân hợp pháp cấp cơ sở được nhà nước phân quyền khai thác thủy sản trên một thủy vực nhất định. Ngư dân phối hợp hoạt động khai thác hải sản của các thành viên một cách tự chủ, sáng tạo, đảm bảo lợi ích hài hòa cho từng thành viên trong lợi ích chung của tổ chức và xã hội.
Ngư dân thả rạn nhân tạo cho tôm, cá
Đại diện Chi hội Nghề cá Lộc Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cũng cho rằng: Việc phân quyền khai thác mặt nước cho các chi hội cơ sở xuất phát từ thực tế nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt, khi cho phép các chi hội khai thác sẽ giúp các địa phương quản lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản tốt hơn.
Nâng cao nhận thức, hiệu quả khai thác
Nhờ phân quyền quản lý cụ thể, tình trạng khai thác bất lợi đã giảm bớt, sản lượng khai thác tăng. Ngoài ra, vai trò hoạt động cộng đồng với việc quản lý trên 300 ha của Hội Nghề cá cũng giúp ngư dân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi hải sản quý hiếm, đặc biệt là tình trạng khai thác có hiệu quả nguồn lợi. Năm 2012, sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 3.500 tấn, đến năm 2013 con số này lên tới 4.000 tấn, trong đó, có nhiều loại hải sản giá trị cao.
Từ những kết quả hiệu quả mang lại trên, năm 2014, Hội Nghề cá dự kiến giao quyền khai thác cho một số chi hội cơ sở tại huyện Quảng Điền, với tổng diện tích lên đến 18.000 ha (diện tích hiện nay là 14.500 ha tập trung chủ yếu tại chi hội cơ sở tại huyện Phú Lộc, Phú Vang). Mới đây, UBND huyện Quảng Điền đã giao quyền khai thác thủy sản cho Chi hội Nghề cá xã Quảng Công với 12.000 ha diện tích mặt nước biển và hơn 400 ha diện tích đầm phá. Đồng thời, xác định sẽ tập trung tuyên truyền, vận động hội viên và người lao động không khai thác thủy sản bằng các nghề cấm, phấn đấu giảm dần nghề khai thác cố định theo kế hoạch của xã, huyện đã xây dựng. Theo đó, với ý nghĩa thực tiễn của việc phân quyền quản lý cho các chi hội địa phương, hoạt động chi hội cơ sở phát triển, Hội Nghề cá sẽ định hướng mở rộng hội viên và coi việc phân quyền là nhiệm vụ chú trọng.
>> Năm 2013, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Thừa Thiên – Huế ước đạt gần 15.000 tấn. Khu vực mà hệ thống ngư dân được tổ chức tốt, sẽ dần cải tiến công tác quản lý ngư trường, nguồn lợi thủy sản, môi trường thủy sinh ngày một tốt hơn. |