Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế, do tình hình nuôi tôm đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, hội viên nên thả nuôi với mật độ vừa phải, với những diện tích đã thả, nên tìm biện pháp phòng ngừa cẩn thận.
Nhiều diện tích chuyển đổi sang nuôi ghép nhiều loài – Ảnh: VM
Ông Hiền nhấn mạnh, đây là thời điểm khó khăn của người nuôi tôm, hội viên trong tỉnh. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với môi trường ô nhiễm tiềm ẩn khiến tôm nuôi bị chết nhiều, diện tích lây lan nhanh. Trong khi đó, giá tôm liên tục giảm. Diện tích vùng đầm phá hỗn hợp có trên 2.000 ha đã được chuyển đổi sang nuôi hỗn hợp, nuôi xen canh, nuôi ghép nhiều loài. Vùng nuôi truyền thống, nuôi chủ yếu có diện tích trên 1.000 ha (chủ yếu nuôi tôm trên cát, nuôi thâm canh) cũng bị dịch bệnh nặng. Do đó, người nuôi nên xử lý hồ ao cẩn thận, khi thu hoạch xong nên cải tạo ao đầm, thực hiện dãn vụ, nghỉ vụ để cho đất có thời gian nghỉ ngơi. Đối với những ao hồ có tôm chết không tháo nước ra ngoài làm lây lan đến diện tích ao hồ xung quanh; tiến hành rải vôi, vệ sinh hồ. Khi thấy tôm có dấu hiệu bất thường và tiếp tục chết, người nuôi cần thông báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng; đồng thời phải vớt ngay tôm chết ra khỏi ao và tiến hành tiêu hủy; nếu tôm đủ lớn khẩn trương thu hoạch non nhằm giảm thiệt hại. Với những diện tích đã thả, nên duy trì mực nước đủ trong ao đủ để giữ tầng đáy ao luôn mát, sử dụng quạt nước tạo ôxy, dùng vi sinh để áp chế sự phát triển của một số tảo không có lợi cho ao nuôi…