Sáu tháng cuối năm, Hội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh vào chất lượng bằng hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, phấn đấu xây dựng được 1 – 2 chi hội mới.
Sức bật nửa đầu 2013
Giá cả thị trường biến động làm giá nguyên liệu đầu vào tăng; cộng với thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn và lụt lội kéo dài khiến độ mặn tăng cao, nước ngập các đồng nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh phát sinh khiến tôm cá chết hàng loạt, lại thêm tình trạng nhiều lao động nghề cá các huyện ven biển trốn sang Trung Quốc làm thuê… Nhưng hoạt động HNC tỉnh Thanh Hóa vẫn nhiều kết quả khả quan.
Hội đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp giúp vay vốn đầu tư cải tạo ao đầm, con giống, trợ giá khi gặp rủi ro… cho hội viên NTTS, giúp hội viên ngư dân tập trung bám biển khai thác có hiệu quả cao gắn với phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ nghề cá và hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai trên biển.
Hội đã phối kết hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và Luật Thủy sản cho 250 hội viên là ngư dân, người NTTS; đồng thời, xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật nuôi cá, kết hợp với trường Trung cấp Thủy sản Thanh Hóa tổ chức được 3 lớp đào tạo cho 120 ngư dân học chứng chỉ thuyền viên tàu cá. Hội tổ chức tổng kết Dự án ACB về thích ứng biến đổi khí hậu tại Hoằng Châu, Hoằng Hóa và tổng kết 3 mô hình NTTS trong Dự án…
“Nặng gánh” 6 tháng cuối năm
Trong số nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ quyết định sự sống còn về hoạt động của Hội là thực hiện các chương trình dự án, đề tài, mở lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHKT công nghệ và tìm kiếm đối tác để hợp tác trong ngoài nước, xúc tiến thương mại.
Theo ông Lê Viết Rong, Chủ tịch HNC tỉnh Thanh Hóa, đây là một trong những hoạt động chủ đạo có lộ trình thực hiện, cần có đầu mối thực hiện, giúp hội viên nắm được công nghệ, có kinh phí hoạt động, vì Hội vẫn đang tự xác lập kinh phí. Từ nay tới cuối năm, Hội dự kiến tổ chức 4 – 6 buổi tập huấn cho hội viên, kết hợp với Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông… Khó khăn lớn nhất hiện nay trong tìm kiếm đối tác hợp tác trong ngoài nước là hoạt động này còn phụ thuộc thị trường thương mại, các doanh nghiệp, tổ chức…; trong khi, kinh phí hoạt động là tự túc, các doanh nghiệp miền Bắc tiếp cận thị trường còn hạn chế, chưa nhiều kinh nghiệm. Ông nhấn mạnh, ví dụ việc sản xuất mắm tôm của Hội trong tỉnh có hoạt động 3 năm nay nhưng chưa liên kết tìm được thị trường xuất khẩu.
HNC tỉnh xác định, từ nay đến cuối năm tập trung xây dựng, phát triển tổ chức Hội; vận động ngư dân, người NTTS, khai thác hải sản, các hộ kinh tế làm dịch vụ – kinh doanh tự nguyện tham gia thành lập các chi hội cơ sở mới. Quan tâm các chi hội cơ sở hiện có, kiện toàn tổ chức, đi sâu vào chất lượng bằng hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh, tương trợ nhau khi gặp khó khăn và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên cơ sở, xây dựng điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh và hoạt động Hội các cấp.
>> HNC tỉnh Thanh Hóa với 14 chi hội, tổng số hội viên 655 người. Để khắc phục khó khăn trong việc tìm nguồn vốn duy trì hoạt động, Hội đã tìm dự án trong ngoài nước, liên kết với các tổ chức trong ngoài nước… để có kinh phí duy trì hoạt động. |