Hội Nghề cá Việt Nam: Bảo vệ hội viên là trọng tâm

Chưa có đánh giá về bài viết

Không chỉ bảo vệ những hội viên trong hoạt động nuôi trồng, gỡ khó cho doanh nghiệp trong hội về chế biến, xuất khẩu, Hội Nghề cá Việt Nam còn kiên quyết bảo vệ những ngư dân trực tiếp bám biển ngoài khơi. Hội xác định rõ nhiệm này là một trong những phần việc quan trọng xuyên suốt quá trình hoạt động.

Luôn bên cạnh ngư dân

Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, có vai trò quan trọng là cầu nối quan trọng, giúp nhà nước, doanh nghiệp gắn kết với người lao động. Xác định rõ nhiệm vụ này, ngay từ khi ra đời, Hội đã chú trọng tới việc tuyên truyền, kết nối với các hội viên trong Hội.

Trong năm qua, các cấp Hội phát huy được vai trò và tác dụng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, ngư nông dân và doanh nghiệp… Hội đã tập hợp và đề xuất nhiều ý kiến bằng văn bản lên các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và nâng cao đời sống. Năm 2015, Hội đã trình trên 20 văn bản, trong đó kiến nghị liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản, kiến nghị về các chính sách của Chính Phủ như Nghị định 67, chính sách về nuôi tôm, tái cơ cấu ngành thủy sản… Kịp thời giải quyết các khiếu nại của hội viên đối với những vụ việc liên quan đến nghề cá, như ở Kiên Giang, Quảng Ngãi, Hải Phòng. Những kiến nghị này đã được Tổng cục Thủy sản nghiên cứu trình lên Chính phủ… Đặc biệt, thông qua các kênh thông tin tuyên truyền, Hội đã kịp thời lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư nông dân, doanh nghiệp, trung bình 3 – 4 cuộc/tháng.

Có thể thấy vai trò của Hội ngày càng bao phủ rộng khắp, có uy tín, gắn với tình hình trên biển và tất cả các hoạt động liên quan. Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Hội đã hướng dẫn hội viên tổ chức đánh cá và dịch vụ hậu cần với nhiều phương thức mang lại hiệu quả thiết thực như: tổ chức đánh cá theo tổ đội, tổ chức ngư đội khai thác hải sản xa bờ, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Những hoạt động trong nuôi trồng, chế biến mà Hội làm đã được các cấp Hội ứng dụng trong sản xuất. Các đơn vị trong Hội đã xây dựng phổ biến các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho xuất khẩu và nội địa, tuyên truyền, tập huấn áp dụng VietGAP phù hợp với từng đối tượng và vùng nuôi.

hội nghề cá bảo vệ hội viên

Ngư dân Quảng Bình khai thác xa bờ – Ảnh: Xuân Trường

Năm 2015, Hội đã kết nạp thêm 20 đơn vị hội viên tập thể, đưa tổng số hội viên tập thể là 98 hội viên. Số hội viên trong Hội hiện nay đạt gần 122 nghìn người. Đánh giá về hoạt động của Hội trong năm qua, ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hoạt động của Hội đã đáp ứng mong muốn của hội viên, giúp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

 

Vượt khó, vì mục tiêu lớn

Năm 2016, Hội xác định một trong ba nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, ngư dân, doanh nghiệp, nhất là cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; giúp ngư dân ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện các hoạt động văn hóa xã hội.

Để thực hiện những mục tiêu quan trọng đề ra, Hội tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, đem lại lợi ích cho hội viên. Cùng đó, trên lĩnh vực khai thác và dịch vụ khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, Hội tiếp tục tổ chức lại nghề cá gần bờ theo hướng chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý. Phát triển mạnh nghề đánh cá xa bờ theo hướng công nghiệp và hiện đại, tổ chức theo đội hình và giải pháp đồng bộ, khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Về nuôi trồng, chế biến, tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy trên cả 3 loại hình nước ngọt, lợ và mặn, tăng năng suất, chất lượng và giá trị, đảm bảo phát triển nuôi trồng hiệu quả và bền vững, liên kết chuỗi trong sản xuất kinh doanh. Hội kiến nghị các cơ quan ban ngành chức năng cần có cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với đặc thù nghề cá, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với ngư nông dân và các doanh nghiệp làm nghề cá, như chính sách tín dụng, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, rủi ro và bảo hiểm…

chủ tịch hội nghề cá việt nam nguyễn việt thắng>> Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: Năm 2016, nhiệm vụ của Hội ngày càng “nặng” hơn, trách nhiệm cao hơn; Hội phối hợp với các địa phương, tỉnh hội, cơ quan quản lý Nhà nước chặt chẽ, kịp thời cung cấp thông tin giữa Hội và tỉnh hội phản ánh nguyện vọng… của hội viên. Tuyên truyền giúp ngư dân nâng cao hiểu biết, kiến thức, giúp hội viên được hưởng thụ thành quả lao động xứng đáng.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!