Sau khi nghe Bộ NN&PTNT cùng Bộ Y tế công bố mức độ an toàn thực phẩm của cá biển khai thác tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục đóng góp ý kiến về đẩy nhanh tiến độ giải quyết sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Cụ thể, trước tiên, Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy sản) cần xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác cá tầng đáy. Trong đó, cần xác định rõ diện tích vùng biển, vĩ độ và kinh độ đường biên của vùng biển không an toàn, để ngư dân có thể nhận biết và tránh. Cùng đó, cần có biện pháp kiểm soát các tàu đánh cá của 4 tỉnh miền Trung cũng như các tỉnh khác vào vùng biển cấm để đánh bắt thủy sản tầng đáy và theo dõi các tàu này về bờ bán cá tại cảng nào để ngăn chặn.
Cần xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác
Thứ hai, cần sớm xây dựng “Tờ rơi nhận biết cá tầng đáy” với đầy đủ: Tên loài thủy sản tiếng Việt (tên phổ thông và tên địa phương), tên khoa học, kèm ảnh của các loài này để phát cho người tiêu dùng, các cửa hàng ăn, giúp họ phân biệt dễ dàng và chính xác thủy sản tầng đáy.
Thứ ba, giao nhiệm vụ kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản 4 tỉnh miền Trung cho Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) và các cơ quan ngành dọc của Cục tại địa phương. Bởi hiện nay, nhiệm vụ này giao cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) là không hợp lý, vì không đúng với quy định của Luật An toàn thực phẩm. Trong khi đó, NAFIQAD có các chi cục ở từng tỉnh hoàn toàn đủ khả năng và nguồn lực để triển khai nhiệm vụ. Hơn nữa, việc kiểm soát cá tầng đáy không chỉ thuộc phạm vi các cảng cá của 4 tỉnh miền Trung, mà còn cần xác định là thủy sản tầng đáy khai thác tại các vùng biển cấm được cập cảng và bốc dỡ tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.