Ra đời và hoạt động với phương châm gắn với quyền lợi của nông dân, ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam đã thực hiện được sứ mệnh của mình. Nhiều ngư dân coi đây là mái nhà chung cùng chia sẻ khó khăn, nhận được nguồn động viên cần thiết và kịp thời.
Điểm tựa vững chắc
Có thể nói 2014 là một năm “dậy sóng” của những người hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Sự việc này được đánh dấu bằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam cùng những hoạt động cản trở, bắn phá, cố tình vi phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc gây không ít khó khăn cho bà con ngư dân hoạt động trên biển.
Trước bối cảnh trên, cùng với các cơ quan hữu quan, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp khác, Hội Nghề cá Việt Nam đã kịch liệt phản đối những hành vi trái phép của Trung Quốc thông qua hoạt động mít tinh phản đối, ra các văn bản thể hiện quyết tâm ủng hộ ngư dân bám biển, đề xuất các giải pháp bảo vệ ngư dân khai thác xa bờ. Mỗi tỉnh Hội cũng đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ ngư dân, hỗ trợ và ủng hộ ngư dân khi có tai nạn trên biển. Một số tỉnh như Quảng Ngãi, Khánh Hòa… ngư dân thường xuyên bị xua đuổi, cản trở khi khai thác, tỉnh hội đã có văn bản đề xuất những biện pháp hỗ trợ ngư dân. Nhiều tỉnh hội như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức mít tinh phản đối hành động của Trung Quốc.
Cho đến nay, trong hệ thống tổ chức của mình đã có 35 tỉnh có tổ chức Hội hoạt động, trong đó có 29 tỉnh đã thành lập tỉnh Hội với gần 42.000 hội viên đăng ký hoạt động. 11 tỉnh có số lượng hội viên lớn là: Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Cà Mau, Hải Phòng, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An.
Không chỉ hoạt động trên lĩnh vực đấu tranh bảo vệ ngư dân, tổ chức Hội còn tích cực vận động, tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật như phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, quy trình VietGAP, khai thác hải sản xa bờ, quản lý cộng đồng nghề cá ven bờ… Phối hợp hợp tác với Uỷ ban Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao xây dựng tờ rơi “Hướng dẫn ngư dân đánh bắt xa bờ” với 30.000 tờ rơi phát cho các tỉnh biển.
Song song với đó, Hội, các Trung tâm và các tỉnh Hội đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như WWF, WB, IDH… thực hiện các chương trình, dự án, đề tài về cá tra, nuôi cá nước lạnh, tổ chức sáng kiến phát triển bền vững về nuôi tôm có trách nhiệm. Hoạt động đàm phán, đào tạo với một số tổ chức quốc tế, mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ với các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan, Trung Quốc…
Nhờ vào hoạt động của Trung ương Hội và tỉnh Hội, bối cảnh ngư trường cũng có nhiều chuyển biến, ngư dân an tâm bám biển và nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.
Sát cánh nông dân – ngư dân
Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Trong năm 2015, cùng với các hoạt động được triển khai đồng bộ, Hội cũng xác định củng cố hoạt động toàn diện trên tất cả các phương diện, trong đó, ưu tiên hoạt động bảo vệ ngư dân khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Năm 2015, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, Hội xác định phương châm tiếp tục tập hợp và đề xuất ý kiến bằng văn bản lên các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và nâng cao đời sống. Vận động, tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý nghề cá đạt hiệu quả, bền vững. Tiếp tục lên tiếng kịp thời phản đối các hành vi xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, đóng góp phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, tiêu thụ chế biến sản phẩm, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP, tham gia sâu rộng về lĩnh vực chế biến tiêu thụ nội địa và cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Để hoạt động của Hội được kịp thời, Hội tiếp tục có kiến nghị lên cấp trên những vấn đề liên quan về phát triển thủy sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với các chính sách tín dụng, đầu tư; tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, UBND các tỉnh cần chỉ đạo và tạo điều kiện thành lập Hội Nghề cá các tỉnh ven biển, giúp đỡ các tỉnh Hội có cơ sở vật chất để làm việc như trụ sở, nhân lực và kinh phí. Công nhận các tỉnh Hội là Hội Nghề cá đặc thù, nhất là các tỉnh ven biển được xác định nghề cá là thế mạnh, là mũi nhọn.
>> Cho đến nay, Hội Nghề cá Việt Nam đã tiếp nhận sự ủng hộ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và một số Hội như: Hội Đá cảnh Đá phong thủy Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, kiều bào ở Canada. Hội đã chuyển toàn bộ tiền hỗ trợ với tổng số 1.114 triệu đồng cho ngư dân 6 tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa bị nạn khi sản xuất và bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. |