(TSVN) – Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam cần có giải pháp trước mắt nhằm gỡ “thẻ vàng” đồng thời phải có kế hoạch lâu dài trong quản lý và khai thác thủy sản.
Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác IUU vào tháng 10/2023. Trước khuyến cáo của EC, Việt Nam đã nỗ lực triển khai bốn nhóm khuyến nghị về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” gồm khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật.
“Thẻ vàng” EU gây khó khăn cho thủy sản khai thác Việt Nam vào thị trường này. Ảnh: ST
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, biện pháp chống khai thác IUU và tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu EU là nội dung khá phức tạp. Nếu Việt Nam không tháo gỡ được “thẻ vàng” không chỉ gây khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản khai thác vào thị trường EU mà còn tác động đến các thị trường khác, nhất là uy tín của thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng. Mặc dù Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình hình vẫn còn khó khăn. Đây cũng là dịp để chúng ta chấn chỉnh và hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá.
Thời gian qua, Hội Nghề cá Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực tại cơ sở hướng dẫn các cấp Hội tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các khuyến nghị của EC và các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT đến hội viên và ngư dân triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng”.
Phối hợp với cơ quan quản lý thủy sản và chính quyền các địa phương ven biển theo dõi công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU. Yêu cầu hội viên và ngư dân tuân thủ các biện pháp quản lý bắt buộc theo đúng các quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và xử lý vi phạm của tàu cá.
Phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xây dựng cơ cấu các nghề khai thác hợp lý, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; củng cố bộ máy quản lý cảng cá và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy chữa cháy trên tàu cá.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng phát biểu trong buổi làm việc tại trụ sở Bộ NN&PTNT sáng ngày 31/8. Ảnh: Vũ Mưa
Trong buổi làm việc tại Bộ NN&PTNT vào sáng ngày 31/8, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cũng đưa ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, giải pháp trước mắt cần tập trung xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển các nước, không tuân thủ việc kết nối VMS khi hoạt động đánh bắt trên biển. Tăng cường việc giám sát sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng cá, thực hiện nghiêm việc ghi và nộp nhật ký khai thác một cách thực chất và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân và cán bộ địa phương, cơ sở chú trọng đội ngũ thuyền trưởng trên các tàu cá. Chú trọng công tác dự báo ngư trường khai thác thủy sản trong vụ cá bắc, vụ cá nam để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác trong vùng biển nước ta.
Về lâu dài, chúng ta cần có giải pháp xây dựng nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm, đảm bảo tính ổn định và bền vững, thực hiện quy hoạch các nghề khai thác thủy sản ở các vùng biển và từng địa phương. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho hoạt động điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển và dự báo kịp thời, chính xác các ngư trường đánh bắt cho các nghề khai thác theo các mùa vụ sản xuất, quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, tay nghề cho lao động khai thác. Đồng thời chăm lo đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá từ cơ sở vật chất đến nhân sự thực thi nhiệm vụ. Củng cố, hoàn thiện hệ thống kiểm ngư từ Trung ương đến các địa phương ven biển.
Anh Vũ