(TSVN) – Ngày 24/12/2020, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản số 127/HNC-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cá tầm Việt Nam.
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam nhận được văn bản kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam, do vậy, Hội có một số ý kiến với các cấp ngành.
Nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam được hình thành khoảng 15 năm trở lại đây, hiện nay đang dần phát triển thành một nghề nuôi có giá trị kinh tế cao. Nghề nuôi cá tầm đã giúp khai thác được tiềm năng các loại hình mặt nước như sông, suối, ao, hồ, đặc biệt là ở địa hình vùng núi vốn nuôi các loại thủy sản khác kém hiệu quả, đồng thời tạo ra được một loại sản phẩm độc đáo, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng cá tầm năm 2020 đạt trên 3.700 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 40 – 50%, tạo ra được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt là ở những lao động miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi cá tầm khá lên từ nghề này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá tầm Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay cá tầm nuôi tại các trang trại Việt Nam không tiêu thụ được. Cộng với việc cá tầm từ Trung Quốc ào ạt nhập vào Việt Nam với nhiều chủng loại lạ, giá cả thấp, dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại trong nước càng bí đầu ra. Những doanh nghiệp và hộ nông dân nuôi cá tầm đang gặp rất nhiều khó khăn do cá không bán được trong khi thức ăn, con giống, nhân công vẫn tiếp tục phải chi trả.
Trước những khó khăn ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tầm Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành chức năng tăng cường quản lý việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc, tránh việc nhập lậu, nhập khẩu cá tầm không nằm trong danh mục loài được cấp phép theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ hàng nội địa có chất lượng và người nuôi cá tầm trong nước. Hiện nay, cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu là 4 loài cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Siberia (Acipenser baerii), cá tầm slelert (Acipenser ruthenus), đây là những loài đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam cùng các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTT.
Ảnh minh hoạ
Cùng đó, đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tăng cường thẩm định, kiểm tra, rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành; đề nghị Cục Thú y thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc đảm bảo đúng trình tự thủ tục; Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra rà soát lại quy trình cấp CITES từ phía Việt Nam, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp. Thực hiện nghiêm việc nhập khẩu cá sống làm thực phẩm không có trong danh mục được sản xuất thông thường cần phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời, Bộ NN&PTNT nghiên cứu để có cơ chế chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng vùng nuôi, con giống nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, đặc biệt là các cửa khẩu thường xuyên nhập khẩu cá tầm như Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng, Thanh Thủy… bảo đảm thực hiện đúng trình tự theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Công thương (Tổng cục Hải quan) tăng cường thực hiện công tác quản lý thị trường nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập lậu, nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, phòng chống và xử lý các hành vi kinh doanh cá tầm nhập lậu, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, giá cả, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật, đặc biệt là tại các khu vực đầu mối giao thương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hội Nghề cá Việt Nam trân trọng kính đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng quan tâm, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất cá tầm trong nước, giúp nghề nuôi cá tầm phát triển hiệu quả và bền vững, phát huy được những điều kiện lợi thế tiềm năng sẵn có trong nước, góp phần vào an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển ngành thủy sản Việt Nam.