Ngày 3/4/2020, Hội Nghề cá Việt Nam đã có Công văn số 20/HNC-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi: Khoảng 3 giờ ngày 2/4/2020, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ sinh năm 1987 ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở tọa độ 16°42’N – 112°25’E . Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm. Sáng cùng ngày, khi nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng đã cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ; các tàu cá này bị tàu Trung Quốc truy đuổi, hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS bị bắt, bị lai dắt vào đảo Phú Lâm. Đến khoảng 18 giờ ngày 2/4, phía Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929TS, QNg 90045 TS và thả về.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam kính đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối với phía Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Cùng đó, đề nghị các lực lượng chức năng của Việt Nam tăng cường tuần tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn những hành động tấn công, uy hiếp để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.