Hiện nay, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, khi nguồn lợi bị suy giảm, cơ sở hạ tầng nghề cá không đáp ứng được nhu cầu, thiếu lao động đi biển… Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội Nghề cá Việt Nam đã luôn thể hiện tốt vai trò, tiếng nói của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, ngư dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về khai thác thủy sản bền vững.
Nhiều hoạt động hiệu quả
Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng, chế biến tiêu thụ và hậu cần dịch vụ thủy sản; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và ngư dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người làm nghề cá và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong thời gian qua, bằng các chương trình hoạt động, Hội luôn gần gũi, gắn bó với bà con ngư dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, kịp thời phản ánh và phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cơ quan Trung ương và các địa phương đề xuất, kiến nghị các cơ chế chính sách và các giải pháp tổ chức triển khai, đưa các cơ chế, chính sách của đảng và Nhà nước đến với ngư dân để phát triển sản xuất, khai thác thủy sản. Cùng đó, kịp thời phản đối hành động của các thế lực nước ngoài xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, lên án các hành vi ngăn cản, uy hiếp, tấn công phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng của ngư dân hoạt động đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, kiến nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.
Hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân vẫn còn gặp không ít khó khăn – Ảnh: Huyền Trang
Hội Nghề cá Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn vận động và hướng dẫn cho hội viên và ngư dân thực hiện tổ chức lại sản xuất trong thai thác hải sản, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, phát triển các tàu cá xa bờ từng bước đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động khai thác, giảm hoạt động khai thác hải sản ven bờ và vùng lộng. Hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động khai thác theo tổ, đội để hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như khi có các sự cố trên biển, đến nay đã xây dựng và tổ chức được khoảng 4.400 tổ, đội sản xuất trên biển với 32.000 tàu cá và 192.000 ngư dân tham gia. Hội thường xuyên kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67 của Chính phủ, tổ chức triển khai và góp ý việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật, triển khai các giải pháp chống đánh bắt IUU và các biện pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Hướng tới quyền lợi của ngư dân
Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với việc thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân… Nghiêm cấm các hoạt động mang tính hủy diệt, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển…”.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết cùng hỗ trợ ngư dân tổ chức hoạt động khai thác một cách hiệu quả, Hội Nghề cá Việt Nam cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ như: – Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên và ngư dân bám sát chủ trương, chính sách phát triển nghề cá và định hướng của ngành thủy sản, tổ chức lại sản xuất khai thác, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, đổi mới nghề nghiệp và trang thiết bị cho khai thác xa bờ. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, cứu hộ, cứu nạn và dịch vụ hậu cần nghề cá; tăng cường công tác bảo quản sản phẩm giảm tổn thất sau thu hoạch.
– Tổng hợp, nghiên cứu kiến nghị, đề xuất với Nhà nước, các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển khai thác. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng khai thác; các kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, yêu cầu ngư dân phải tuân thủ các quy định về ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm đánh bắt; hướng dẫn đẩy nhanh việc lắp đặt các thiết bị định vị vệ tinh để giám sát hoạt động của tàu cá trên vùng biển xa bờ…
– Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời lên tiếng phản đối những hành động của các lực lượng bên ngoài tấn công, uy hiếp, cản trở hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân trên biển. Tổ chức thực hiện nghiêm việc chống khai thác IUU, yêu cầu ngư dân kiên quyết không vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
– Phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu nghề đánh bắt theo hướng giảm khai thác ven bờ, tăng khai thác xa bờ, giảm nghề gây tổn hại nguồn lợi môi trường, tăng các nghề thân thiện với môi trường nguồn lợi; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư trong các lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đánh bắt cải thiện đời sống ngư dân.
>> Việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển là cơ sở để khai thác tốt tiềm năng nguồn lợi hải sản, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, đưa nghề cá nước ta phát triển hiện đại, bền vững và có trách nhiệm. |
Hoàng Đình Yên – Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam