Ngày 19/7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội Nghề cá Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng, nhằm đánh giá hoạt động công tác Hội 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2019. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam chủ trì.
Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng, nhằm đánh giá hoạt động công tác Hội 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra tại Đà Lạt
Hội nghị Ban Thường vụ họp lần này tập trung thảo luận về phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, phối hợp triển khai thực hiện tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, vận động hội viên, ngư dân và các doanh nghiệp thực hiện cam kết “nói không với đánh bắt bất hợp pháp – IUU”; cùng đó, động viên ngư dân bám biển sản xuất, góp phần đẩy mạnh thương mại thủy sản. Ngoài ra, Hội nghị cũng đánh giá công tác triển khai các chương trình, dự án tư vấn, phản biện, giám định xã hội, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế cũng như các hoạt động thông tin – tuyên truyền, an sinh xã hội, công tác thi đua – khen thưởng…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã có nhiều hoạt động tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và người lao động nghề cá trong cả nước. Hội đã củng cố, phát triển hệ thống tổ chức Hội, trong đó quyết định bổ sung thêm 2 Ủy viên BCH và 2 Ủy viên Thường vụ. Hiện nay, Hội Nghề cá Việt Nam có 92 Ủy viên BCH, 27 Ủy viên Ban Thường vụ; 80 hội viên tập thể, 32 Tỉnh hội thành viên với hàng trăm nghìn hội viên.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến cho các hoạt động của Hội, trong đó quan tâm đến vấn đề đầu tư cho hệ thống cảng cá, khu neo đậu, đồng bộ hệ thống thông tin liên lạc, khôi phục nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ngoài ra, còn là vấn đề xây dựng nhãn hiệu sinh thái, thương hiệu cá ngừ vây vàng đạt tiêu chuẩn cá ngừ Việt Nam, hỗ trợ điện cho các vùng nuôi tôm trọng điểm, cơ sở hạ tầng cảng cá, chính sách về vay vốn phát triển sản xuất, các vấn đề về giá thành tôm và cá tra quá thấp khiến bà con nông dân gặp khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hữu, đại diện cho Tổng cục Thủy sản ghi nhận những kết quả mà Hội Nghề cá Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới Hội cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với hội viên. Đồng thời, đề nghị Hội có văn bản gửi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản về những vấn đề hội viên, ngư dân quan tâm để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, quy định rõ lộ trình thực hiện tạo điều kiện cho các địa phương và bà con ngư dân chuyển đổi kịp với cơ chế chính sách mới, đồng thời tăng cường nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy sản, hạ tầng nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Hội cũng kiến nghị cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển nhằm bảo vệ ngư dân hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đồng thời có chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với hội viên và các doanh nghiệp làm nghề cá hoạt động trên biển.