Hội nghị Ban Chấp hành Hội Thủy sản Việt Nam lần thứ 03

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Ngư dân Việt Nam đang cùng lúc làm 02 nhiệm vụ, vừa bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, điều gì có lợi cho ngư dân chúng ta cần phải làm và làm quyết liệt”, TS. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam.

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2022 – 2027) nhằm tổng kết công tác Hội năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ hoạt động năm 2025.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3 – Hội Thủy sản Việt Nam.

Tham dự Hội nghị, về phía Hội Thủy sản Việt Nam có TS. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội; ông Lê Tấn Bản – Phó Chủ tịch Hội (tham dự trực tuyến); ông Hoàng Đình Yên – Tổng Thư ký Hội; cùng các đại biểu là thành viên Ban Chấp hành Hội. Về phía Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) có sự tham dự của ông Vũ Duyên Hải – Cục phó Cục Thủy sản; ông Phạm Quang Toản – Cục phó  Cục Thủy sản.

Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, theo xu hướng chung của Quốc gia, Hội Thủy sản Việt Nam cần tập trung đổi mới, cải tổ theo xu hướng tinh gọn, hiệu quả. Ngoài ra, cần xem xét, thảo luận cụ thể về một số vấn đề lớn như Gỡ thẻ vàng IUU, khắc phục hậu quả bão số 3 (bão YAGI)… Từ đó, làm rõ vai trò của Hội, đã làm được những gì và cần rút ra những kinh nghiệm gì?.

Thay mặt Ban chấp hành, ông Hoàng Đình Yên – Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam đã trình bày tóm tắt đánh giá tổng kết công tác Hội năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ hoạt động năm 2025.

Ông Hoàng Đình Yên – Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam tóm tắt báo cáo tổng kết tại Hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam đánh giá, năm 2024 “biển yên nhưng chưa ổn”, còn nhiều vấn đề mà cử tri vẫn chưa yên tâm.

“Trong quá trình tôi hoạt động với tư cách là Đại biểu Quốc hội khóa XV, có đến 70% câu hỏi trong lĩnh vực nông nghiệp là về biển đảo, nghề cá. Điều này cho thấy được mức độ quan tâm của cử tri, dư luận đến vấn đề biển đảo, nghề cá.

Quốc hội khóa XV đã bàn rất nhiều về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mặc dù còn tồn tại những vấn đề hết sức nhạy cảm, nhưng Quy hoạch đã được thông qua bằng Nghị quyết của Quốc hội với tinh thần, không tạo ra thêm nhạy cảm mới, không cản trở địa phương. 

Trong quá trình hoạt động, bằng nhiều cách khác nhau, Hội Thủy sản đã có đóng góp tích cực trong những sự việc cụ thể. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản một cách hiệu quả, bền vững”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam điều hành Hội nghị

Về phần mình, ông Phạm Quang Toản – Cục phó Cục Thủy sản chúc mừng những thành tựu mà Hội Thủy sản Việt Nam đạt được trong năm 2024. Theo ông Toản, năm 2024 là một năm đầy biến động đối với ngành thủy sản. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ, ngành cũng như Hội Thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt trên 10 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.

“Bước sang năm 2025, Cục Thủy sản sẽ triển khai một số nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất là gỡ Thẻ vàng IUU. Dự kiến, đầu năm 2025, đoàn thanh tra của EU sẽ sang Việt Nam, vì vậy ngay trong Quý I, toàn ngành sẽ tập trung cao độ vì mục tiêu gỡ Thẻ vàng. Rất mong tiếp tục nhận được góp ý, hỗ trợ từ Hội Thủy sản Việt nam.

Ông Phạm Quang Toản – Cục phó Cục Thủy sản phát biểu tại Hội nghị

Trong số những kiến nghị, đề xuất mà Hội và các chi hội đưa ra tại Hội nghị, có một số kiến nghị có thể thực hiện được ngay, một số kiến nghị khác Cục sẽ nghiên cứu và đề xuất, qua đó đáp ứng mong mỏi của bà con và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Toản chia sẻ thêm.

Cũng tại Hội nghị, đại diện chi hội tại các địa phương đã trình bày tham luận, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản như: Hoàn thiện các quy định, quy chuẩn liên quan đến nuôi biển; chính sách hỗ trợ ngư dân trong trường hợp xảy ra thiên tai; chính sách hỗ trợ ngư dân trong trường hợp xảy ra va chạm với tàu cá nước ngoài; quy định về kích cỡ khai thác cá ngừ; cấp mã vùng nuôi tôm hùm trên cạn; tổ chức các khóa đào tạo, phổ biến kiến thức cho ngư dân, doanh nghiệp để họ hiểu rõ hơn các quy định liên quan đến khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc sử dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng; quy chế thi đua khen thưởng cho các hội viên cơ sở…

Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Việt Thắng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thư ký Ban Chấp hành Hội sẽ ghi nhận, chọn lọc ý kiến để đưa ra giải pháp cụ thể, đồng thời đề xuất kiến nghị tới các cơ quan quản lý những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của Hội.

“Trong thời gian tới, cần sử dụng tất cả các kênh truyền thông của Hội để nắm rõ công tác hoạt động chi hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, các thành viên của Hội sẽ cùng chia sẻ những khó khăn, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm, bài học hay để Hội phát triển vững mạnh hơn. Ngư dân Việt Nam đang cùng lúc làm 02 nhiệm vụ, vừa bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, điều gì có lợi cho ngư dân chúng ta cần phải làm và làm quyết liệt”, TS. Nguyễn Việt Thắng lưu ý.

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cũng đề xuất với Ban Chấp hành xem xét, cho ý kiến về việc bổ sung thêm 02 ủy viên Ban Chấp hành vào Ban Thường vụ. Mục đích nhằm kiện toàn bộ máy của trung ương Hội, giúp hoạt động Hội trở nên thông suốt và hiệu quả hơn.

Đông Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!