T3, 23/04/2024 10:04

Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều 22/4, tại Hà Nội, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối với 28 tỉnh, thành phố ven biển, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32-CT/TW. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội cần xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước…

Xem chi tiết Chỉ thị số 32-CT/TW: TẠI ĐÂY

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã báo cáo Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Chính phủ về triển khai Chỉ thị 32-CT/TW, nhằm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024. Theo Phó thủ tướng, để tháo gỡ “thẻ vàng”, trước mắt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người, các ngành, địa phương thấm nhuần, ý thức trách nhiệm, chung tay, góp sức, quyết tâm tiếp thu và nghiêm túc trong triển khai các khuyến nghị của EC. Hoàn thiện quy định pháp luật đủ xử phạt hành vi vi phạm. Triển khai đồng bộ, quyết liệt trong quản lý tàu cá; xuất xứ hàng hóa; điều tra xác minh xử lý triệt để IUU không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực triển khai các khuyến nghị của EC. Về dài hạn, phải gỡ “thẻ vàng” trong 1 – 2 năm tới, không để tái phạm. Rà soát, chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Nâng cao năng lực, đảm bảo cơ chế chính sách cho lực lượng thực thi pháp luật, hoạt động hiệu quả. Ưu tiên đầu tư phát triển ngành thủy sản. Tăng cường hợp tác quốc tế, phân định vùng biển. Thực hiện các điều ước quốc tế đã cam kết. Tích cực triển khai quy hoạch quốc gia phát triển ngành thủy sản bền vững.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu thuận lợi, khó khăn, đánh giá lại việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; chia sẻ kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp để chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã báo cáo công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU và kết quả chính đạt được liên quan đến các nội dung về quản lý đội tàu khai thác; theo dõi, giám sát tàu cá khai thác trên biển; công tác giám sát sản lượng bốc dỡ, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản. Cùng đó, đề cập đến một trong những khó khăn của Nghệ An hiện nay để thực hiện công chống khai thác IUU là lực lượng Kiểm ngư tỉnh còn thiếu và yếu. Tỉnh hiện có 2 tàu kiểm ngư, 7 công chức và 10 hợp đồng lao động. Do đó, kiến nghị Trung ương nghiên cứu và có các quy định cụ thể về lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh cũng như các chế độ, chính sách cho lực lượng này.  Bởi theo ông Hiếu, hiện nay, trong Luật Thủy sản, Nghị định của Chính phủ đều nêu lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh do tỉnh chủ động thành lập. Tuy nhiên, hiện nay chưa nói rõ chế độ, chính sách của lực lượng này nên tỉnh gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn kiến nghị, đề xuất Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghiêm đối với nhóm tàu cá ngoài tỉnh xuất, nhập bến thường xuyên tại các địa phương, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Quan tâm đầu tư nâng cấp các cảng cá và các khu neo đậu, trú tránh bão để thực hiện tốt công tác quản lý đội tàu, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Còn tại tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, cho biết, tỉnh Cà Mau hiện có trên 4.000 tàu cá, với hơn 1.500 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt tỉ lệ 100%, và là một trong những tỉnh tiên phong trong nghiên cứu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá lắp đặt VMS mất kết nối không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra. Công tác xác minh, xử phạt tàu cá vượt ranh giới được phát hiện qua hệ thống VMS gặp nhiều khó khăn. Phần mềm kiểm soát tàu cá liên thông chưa phát huy hết hiệu quả do chưa áp dụng trên toàn quốc. Tình trạng ngư dân tự ý cải hoán, sang bán tàu cá không theo quy định khó kiểm soát… Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý tàu cá, cần phải tiếp tục có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTX

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với sự phát triển của ngành thủy sản nói riêng và đối với nền kinh tế, chính trị của đất nước nói chung. Từ đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thể hiện quyết tâm cao hơn nữa đối với mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng” trong năm 2024. Theo đó, cần quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, trong đó có Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển ngành thủy sản bền vững. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU một cách hài hòa, vừa đảm bảo an sinh cho ngư dân vừa có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi hải sản lâu dài và phù hợp với các quy định của EC… Trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết, cần kịp thời biểu dương các địa phương, cá nhân làm tốt; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở những địa phương, cá nhân chưa làm nghiêm; tăng cường giải pháp, tạo sự đồng thuận, động viên ngư dân, người lao động thực hiện chủ trương và bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của ngư dân.

 

Các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương cần thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024. Ảnh: ST

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!