T2, 28/11/2022 03:56

Hội nghị thường niên Ủy ban Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương: Hướng đến một nghề cá bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng nay (28/11), tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Ban Thư ký Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19. Hội nghị kéo dài đến ngày 3/12 với sự tham gia của khoảng 550 đại biểu đại diện 26 quốc gia thành viên chính thức, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, 8 thành viên có hợp tác (trong đó có Việt Nam) và 11 vùng lãnh thổ có tham gia một số hoạt động của WCPFC, Đại diện Diễn đàn nghề cá các quốc đảo Thái Bình Dương…

Đây là Hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC nhằm: Đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban hoạt động trong năm; quyết định sự tham gia; các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo. Trong đó, có việc xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối Đơn xin là thành viên WCPFC với tư cách “Quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác” (CNM) của các quốc gia (trong đó có Việt Nam).

Toàn cảnh Hội nghị thường niên WCPFC lần thứ 19 tại Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao những hỗ trợ của Giám đốc điều hành WCPFC, Ban Thư ký, các Ban kỹ thuật, tài chính của WCPFC đã chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19 này của WCPFC. Đây chính là một cơ hội lớn để ngành khai thác thủy sản Việt Nam nói chung và lĩnh vực khai thác cá ngừ nói riêng hội nhập sâu rộng với nghề cá thế giới, góp phần tăng cường hợp tác với các nước tham gia WCPFC và các tổ chức nghề cá khu vực, các tổ chức đa phương”.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, việc tham gia WCPFC cũng giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý. Việt Nam đã được tham gia là một trong ba nước hưởng lợi từ Dự án Quản lý nghề cá đại dương ở Tây Thái Bình Dương và Đông Á góp phần nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cấp liên quan đến quản lý nghề cá ngừ xem xét hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nghề cá ngừ ở Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của WCPFC, tích cực chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập tổ chức nghề cá này. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang triển khai thực hiện Dự án Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á do New Zealand tài trợ thông qua WCPFC từ năm 2019 – 2022, được gia hạn đến 2023 do tác động của đại dịch COVID-19. Hơn nữa, Tổng cục Thủy sản đang thực hiện đề án Quản lý nghề khai thác cá ngừ bằng hạn ngạch theo hướng tiếp cận quản lý cá ngừ của WCPFC. Việc tham gia WCPFC sẽ giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ của WCPFC để hoàn thiện hệ thống quản lý và thực hiện có hiệu quả tiếp cận quản lý nghề khai thác cá ngừ bằng hạn ngạch.

Ông Trần Đình Luân cho biết thêm, thông qua Hội nghị, Việt Nam cam kết rất mạnh mẽ với việc bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ, đồng thời có trách nhiệm trong việc khai thác thủy sản và bảo vệ đại dương; mong muốn các nước thành viên tiến tới ủng hộ để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WCPFC.

H.C

WCPFC được thành lập tháng 6/2004. Tính đến tháng 2/2020, Ủy ban có 26 thành viên chính thức, 11 vùng lãnh thổ có sự tham gia và 8 quốc gia không phải là thành viên nhưng có hợp tác (trong đó có Việt Nam). Nhiệm vụ chính của WCPFC là quản lý và bảo tồn nguồn lợi cá di cư trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương, trong đó tập trung chủ yếu vào cá ngừ, đồng thời, áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác đối với các loài thủy sinh không chủ ý đang được bảo vệ như cá mập, rùa biển...

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!