Với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, tiêu chuẩn ASC không chỉ là giấy thông hành để doanh nghiệp đi vào các thị trường mà còn là sự cam kết đảm bảo duy trì và phát triển bền vững của ngành cá tra Việt Nam.
ASC chiếm lĩnh lòng tin doanh nghiệp
Mặc dù có mặt tại Việt Nam sau nhiều bộ tiêu chuẩn khác, nhưng tiêu chuẩn ASC đã sớm chiếm được lòng tin của doanh nghiệp bởi tầm quan trọng cũng như lợi ích cho doanh nghiệp về lâu dài.
Năm 2012, Công ty CP Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận ASC tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những công ty nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam; là nhà cung cấp chính các sản phẩm fillet cá tra đông lạnh và giá trị gia tăng cho nhà bán buôn Queens (Hà Lan), phân phối cho tất cả hệ thống bán lẻ lớn tại Hà Lan. Công ty được tổ chức theo mô hình sản xuất khép kín từ sản xuất cá giống, thức ăn, nuôi cá nguyên liệu để chế biến thành phẩm cá fillet đông lạnh. Với 2 vùng nuôi cá tra đạt chứng nhận, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp có diện tích vùng nuôi cá tra đạt ASC lớn nhất.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết: Việc Công ty đạt thêm chứng nhận ASC bên cạnh các chứng nhận trước đó như GlobalGAP, BAP, AquaGAP cho thấy Công ty cam kết thực hiện nuôi cá tra có trách nhiệm với môi trường, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào như bột cá, dầu cá và trách nhiệm xã hội.
Cá tra đạt chứng nhận ASC ngày càng được thị trường ưa chuộng – Ảnh: Quốc Minh
Với 187 ha nuôi cá tra, Công ty TNHH Hùng Cá là doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp. Đầu tháng 2/2013, Công ty chính thức đạt chứng nhận ASC cho vùng nuôi cá tra tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ông Trần Văn Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Việc đạt chứng nhận ASC được xem là bước tiến thành công nữa trong quá trình phát triển của Công ty. Với các sản phẩm cá tra mang nhãn ASC, chúng tôi tin sẽ tạo được niềm tin của người tiêu dùng về uy tín chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Công ty trong việc mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm”.
Đầu tư cho lợi ích dài lâu
Tính đến đầu tháng 3/2013, cả nước đã có 14 doanh nghiệp đầu tiên đạt ASC. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết: Các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC vào EU đang có nhiều thuận lợi hơn so với cá tra chưa có chứng nhận này, bởi hiện nay các nhà nhập khẩu và bán lẻ lớn ở EU đang dành sự quan tâm và ưu ái hơn đối với các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC, đặc biệt, ở những nước có các nhà nhập khẩu lớn như Đức, Hà Lan, Anh,… đã hình thành một khuynh hướng rõ ràng trong việc ưu tiên nhập khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC.
Một số vùng nuôi của doanh nghiệp đạt chứng nhận ASC Vùng nuôi NTACO (Công ty CP NTACO); Vùng nuôi Cồn Lát (Công ty CP Thủy sản Vinh Quang); Vùng nuôi Phú Túc (Công ty CP Hùng Vương); Vùng nuôi 48 ha tại vùng đất phèn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Công ty TNHH MTV Nuôi trồng, Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Hoàng Long); Trang trại Ba Lai xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thương mại Ngọc Hà); Trung tâm Nuôi trồng thủy sản tại huyện Thốt Nốt, Cần Thơ (Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông); Vùng nuôi số 1 (Công ty CP Việt An); Trang trại Vạn Ý (Công ty TNHH Hùng Cá); Trại nuôi ở cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre (Công ty CP Thủy sản Gò Đàng); Trại nuôi số 1 và 6 tại Đồng Tháp (Công ty CP Docifish); Vùng nuôi Tân Lộc (Công ty CP NTSF Seafoods); Xí nghiệp Nuôi trồng Thủy sản Thanh Bình tại ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp (Công ty CP Tô Châu). Công ty CP Vĩnh Hoàn có 2 vùng nuôi đạt ASC là vùng nuôi Tân Hoa và Tân Thuận Đông. |
Công ty Hoàng Long với 30 ha cá tra nuôi đạt chứng nhận ASC trong số 48 ha nuôi đang tiến hành áp dụng tiêu chuẩn này ở Tam Nông (Đồng Tháp). Sau khi đạt chứng nhận ASC, cuối tháng 11/2012, Công ty đã xuất khẩu lô hàng cá tra fillet đầu tiên theo tiêu chuẩn ASC vào các thị trường châu Âu như Hà Lan, Đức, Thụy Điển… với số lượng từ 7 – 10 container/tháng. Để đạt được tiêu chuẩn ASC, Công ty phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng có trách nhiệm và bền vững. Ông Châu Minh Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Long Seafood cho biết: “Chi phí đầu tư cho tiêu chuẩn ASC tương đối lớn, chiếm 20% giá thành sản phẩm. Do đó, giá thành phẩm cá tra cần tăng thêm 20% thì doanh nghiệp mới có thể thu hồi vốn, nhưng hiện doanh nghiệp vẫn bán giá cũ để đầu tư cho lợi ích lâu dài.
Đại diện một công ty chế biến xuất khẩu cá tra cho biết, việc đạt tiêu chuẩn ASC giúp công ty rất nhiều trong các giao dịch với khách hàng và hiện công ty đang cố gắng tăng thêm số trại nuôi đạt tiêu chuẩn ASC. Điều này sẽ giúp công ty cải thiện năng suất, giảm tỷ lệ cá chết và làm cho hoạt động kinh doanh trở nên hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, theo Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết: “Tiêu chuẩn ASC không chỉ tốt cho môi trường mà còn có lợi cho doanh nghiệp bởi tiêu chuẩn ASC mở ra cánh cửa dẫn đến những thị trường mới tại châu Âu và Mỹ. Nhưng sản phẩm dán nhãn ASC còn giúp công ty mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo với người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm”.
Dự kiến đến năm 2015 sẽ có 50% cá tra xuất khẩu của Việt Nam đạt chuẩn ASC.
Với mục tiêu này thì trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hướng đến và đạt tiêu chuẩn ASC. Có thể nói tiêu chuẩn ASC như một kim chỉ nam cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường quốc tế.
>> Cá tra xuất khẩu đạt chứng nhận ASC đang được bán lẻ trên thị trường có giá cao hơn hẳn so với cá tra chưa đạt chứng nhận ASC và xu hướng nhiều nhà bán lẻ ở EU ưu tiên bán các sản phẩm cá tra có ASC càng làm cho ASC có “sức hút” lớn hơn với doanh nghiệp. |