Sáng 27/2, tại Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Phòng Thương mại quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ xử lý nước trong nuôi tôm và kết nối thương mại ngành tôm Việt Nam – Nhật Bản.
Hội thảo thu hút đống đảo sự tham gia của người nuôi tôm và các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các doanh nghiệp đến từ tỉnh Hiroshima giới thiệu mô hình xử lý nước nuôi tôm bằng màng lọc; thiết bị hòa tan ôxy trong nước; phương pháp Chelate Marine trong hệ thống nuôi tôm mang tính kế hoạch, an toàn, thân thiện môi trường; văn hóa tiêu dùng và các yêu cầu về chất lượng sản phẩm tôm; các kết quả thử nghiệm về công nghệ, giải pháp xử lý nước nuôi tôm ở Sóc Trăng…
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết, người nuôi tôm ở Sóc Trăng hiện đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh… dẫn đến giá thành sản xuất cao và thiếu tính bền vững. Vì vậy, ông Huy hy vọng các giải pháp được các doanh nghiệp Hiroshima đưa ra tại hội thảo lần này sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề khó khăn về môi trường nước nuôi tôm. Đồng thời, mong muốn được hợp các doanh nghiệp Hiroshima để người nuôi tôm Sóc Trăng được sử dụng các sản phẩm, công nghệ tốt, giá thành hợp lý và ngược lại, con tôm Sóc Trăng sẽ được tiêu thụ tốt hơn ở thị trường Nhật Bản.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh Junichi Kawaue phát biểu tại hội thảo
Đại diện Phòng xúc tiến thương mại quốc tế, Cục xúc tiến thương mại quốc tế tỉnh Hiroshima, mong muốn thông qua hội thảo lần này sẽ giúp tôm được nuôi trong môi trường sạch sẽ, chất lượng được nâng cao, góp phần đem lại cơ hội cho việc sản xuất, kinh doanh tôm giữa Việt Nam và Nhật Bản vì nhu cầu tôm sạch, an toàn ở Nhật ngày một tăng cao. Ngoài công nghệ làm sạch nước nuôi tôm, các doanh nghiệp Hiroshima nói riêng và Nhật Bản nói chung còn có khả năng hỗ trợ ngành tôm Sóc Trăng và ĐBSCL nhiều hơn nữa để tạo sự hiểu biết, tin cậy nhiều hơn về sản phẩm của nhau.