(TSVN) – Ngày 31/3/2023, tại TP Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ NN&PTNT, báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, VASEP đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt”.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ông Lê Hoàng Hải – Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Vinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Công Khôi – Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Phía đơn vị đồng hành có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (phụ trách khu vực phía Nam), ông Vũ Đức Trí – Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo các sở NN & PTNT, Chi Cục Thủy sản và các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản đến từ các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau… Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của ông Asbjorn Warvik Rortvet – Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) và ông Matsuo Tomoyuki – Chủ tịch hiệp hội đầu bếp Nhật Việt.
Phát biểu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2022 là năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng, đặc biệt thủy sản. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra 2,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD (cá ngừ 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD)
Với mục tiêu đề ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 – 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD. Ngành nông nghiệp phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các đối tượng nuôi trồng chủ lực như các loài tôm, cá tra… Ngoài ra, phải đẩy mạnh xúc tiến vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
“Bộ đang trong giai đoạn xem xét các dự án khoa học công nghệ để phục vụ được yêu cầu của sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt phát triển hạ tầng. Ngoài ra, phải đi theo hướng nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn… để đảm bảo tiêu chí cho thị trường xuất khẩu. Tới đây, Thủ tướng sẽ làm việc với ngành nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản để cải thiện các vấn đề, đảm bảo các mục tiêu để đảm bảo xuất khẩu ngành thuỷ sản năm 2023”, ông Tiến cho biết.
Phát biểu nêu lý do tổ chức hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt” là một hoạt động do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng Agribank và một số doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản nằm trong diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững – Đẩy mạnh nuôi trồng” và đây là lần thứ ba. Trước đó đã có hai buổi hội thảo liên quan diễn ra tại Sóc Trăng và Bình Định.
Với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ mong muốn qua diễn đàn này, được làm cầu nối để ngành thủy sản cùng đưa ra những mô hình, giải pháp phát triển chuỗi liên kết ngành. Qua đó, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ từ các lĩnh vực nuôi trồng – khai thác, chế biến – bảo quản; vận chuyển, tiêu thụ, phân phối đến quản lý chuỗi cung ứng nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị thủy sản Việt Nam.
Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ xác định sẽ tiếp tục triển khai thêm các tuyến đề tài về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, tạo ra những diễn đàn, đóng góp thêm tiếng nói vào mục tiêu và giải pháp phát triển ngành công nghiệp thủy sản, góp phần đưa thương hiệu thủy sản Việt Nam lên một tầm cao mới, một “thương hiệu mạnh” và đặc trưng của thủy sản Việt Nam.
Hội thảo hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuỗi liên kết chặt chẽ, nâng giá trị thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam. Ảnh: ST
Cũng tại hội thảo lần này, hơn 200 đại biểu được nghe 5 bài tham luận của những tổ chức, cá nhân trực tiếp làm việc trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản gồm: Ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) với chủ đề “Các chuỗi liên kết mang lại thành công cho ngành thủy sản”; Ông Hồ Văn Việt, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau với chủ đề “Mô hình xúc tiến thương mại và làm thương hiệu cho cua Cà Mau”; Ông Vũ Đức Trí – Phó tổng giám đốc điều hành tập đoàn Việt Úc với chủ đề “Khép kín chuỗi giá trị- Nâng tầm thương hiệu con tôm Việt”; Ông Nguyễn Quý Trọng Bình – Giám đốc HTX thủy sản Như Ý, xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) với mô hình “Nuôi trồng kết hợp dịch vụ du lịch”. Đặc biệt, các đại biểu được nghe tham luận của ông Asbjorn Warvik Rortvet -Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) với chủ đề “Hiệu quả của việc phát triển chuỗi giá trị hải sản nuôi trồng của Na Uy”.
Về phía đơn vị đồng hành cùng ngành, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) – chia sẻ thông tin quan trọng là tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank hiện nay là 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay trong lĩnh vực thủy sản chỉ có 40.000 tỷ đồng (chiếm 2,5% tổng dư nợ cho vay của Agribank). Trong số 40.000 tỷ đồng này, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản chiếm trên 83,5%. Trong dư nợ cho vay ngành thủy sản, các khách hàng doanh nghiệp chỉ chiếm 3,7%, còn lại cho vay khách hàng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
“Ngân hàng kỳ vọng và đề xuất Bộ NN&PTNT, các địa phương có biển quan tâm đến quy hoạch vùng sản xuất. Cần có cụm công nghiệp kinh tế biển, có cơ chế thu hút nhà đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo môi trường nuôi trồng đồng nhất, thu hút các nhà đầu tư về ương giống, thức ăn, sơ chế, chế biến… Tạo nên mô hình khép kín, khi này các công ty bảo hiểm mới dám vào bảo hiểm rủi ro, các dự án mới được bảo hiểm thì các ngân hàng sẵn sàng đầu tư khi rủi ro giảm thiểu”, bà Phượng chia sẻ thêm.
Trọng Hoàng