Sáng 30/3, tại Hội trường Sở NN&PTNT, Hội Thủy sản Cà Mau tổ chức Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2016 – 2020. Đến dự có ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.
Đại hội thảo luận thống nhất cao, mặc dù tình hình kinh tế – xã hội biến động, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường bất lợi cho sản xuất, nhất là trên lĩnh vực thủy sản, tuy nhiên kết quả rất đáng trân trọng.
Đại biểu tham dự Đại hội – Ảnh: Thanh Hải
Năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 299.819 ha; trong đó, 275.858 ha nuôi tôm các loại, 16.553 ha nuôi cá đồng. Riêng về tôm, diện tích nuôi tôm công nghiệp là 9.597 ha, quảng canh cải tiến 79.382 ha và nuôi truyền thống, rừng – tôm, lúa – tôm… 186.879 ha. Về khai thác, năm 2015, phương tiện khai thác biển là 4.697 chiếc, tổng công suất 521.382 CV. Tổng sản lượng thủy sản của nhiệm kỳ đạt 2.256.997 tấn. Trong đó, sản lượng tôm 737.332 tấn, sản lượng chế biến 507.574 tấn đạt 90,8%. Kim ngạch xuất khẩu 5,47 tỷ USD đạt 111,17%. Trong nhiệm kỳ tới, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 530.000 tấn/năm. Trong đó, sản lượng tôm khoảng 200.000 – 220.000 tấn/năm. Diện tích nuôi tôm công nghiệp đến 2020 là 20.000 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến 120.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD.
Tại Đại hội, đại diện các chi hội cơ sở đã có nhiều tham luận góp ý về tình hình xây dựng phát triển Hội trong năm qua và định hướng hoạt động trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hữu Thạch, Chủ tịch Hội Thủy sản xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, cho biết việc nuôi tôm công nghiệp tại địa phương phát triển tốt, nhất là hoạt động của các tổ hợp tác; trong đó, điển hình là tổ hợp tác ở ấp Tân Lợi A, được thành lập năm 2012, với 12 ao nuôi trên diện tích 2,1 ha; hoạt động của tổ hợp tác ngày một hiệu quả; Tiết kiệm đầu tư mua sắm thiết bị kỹ thuật như sử dụng chung máy bơm nước thay vì mỗi hộ phải mua (sản xuất cá thể không thể làm được); Từng tổ viên tích lũy được vốn thông qua quỹ hỗ trợ sản xuất, người ít nhất 40 triệu đồng, cao nhất 100 triệu đồng. Quỹ này của tổ trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, để hoạt động tốt hơn, thì Hội Thủy sản tỉnh và các ngành chức năng liên quan cần quan tâm hơn tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã để có những chỉ đạo sát sao, hiệu quả hơn.
Còn về vấn đề khai thác thủy sản, ông Trần Văn Khắp, Hội Thủy sản thị trấn Sông Đốc cho biết, toàn thị trấn có 1.340 phương tiện khai thác, trong đó, 926 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên, đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Sản lượng hàng năm khoảng 120.000 tấn, trở thành thế mạnh kinh tế mũi nhọn của thị trấn Sông Đốc. Tuy nhiên, nơi đây còn có hình thức khai thác bất hợp pháp phổ biến như: xung điện, chất nổ… ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý tốt môi trường và nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt trên sông, rạch, ven biển… Đồng thời, chuyển ngành nghề có quy định một cách bắt buộc cho tất cả các đối tượng không có khả năng, trình độ quản lý phương tiện xa bờ. Nghiêm cấm cách làm ăn mang tính hủy diệt…