(TSVN) – Ngày 22/10/2024, Hội Thủy sản Việt Nam đã ra Công văn số 118/HTS-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do thiệt hại bão lũ ở các tỉnh miền Bắc.
Trong công văn nêu rõ, đầu tháng 9/2024, Cơn bão số 3 có tên quốc tế là bão YAGI đổ bộ vào Việt Nam, cơn bão rất mạnh đã gây mưa lớn, lũ lụt kéo dài, sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh khu vực miền Bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội của nhân dân các tỉnh này, làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản nhà cửa.
Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều tàu cá của ngư dân bị chìm, va đập hư hỏng nặng, nhiều hộ nông dân nuôi thủy sản lồng bè trên biển, ao nuôi và sản phẩm nuôi trồng thủy sản bị bão, nước lũ cuốn trôi, lồng bè bị hỏng; nhiều doanh nghiệp sản xuất con giống, vật tư thức ăn bị thiệt hại… Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý của Trung ương, địa phương đang rất khẩn trương, tích cực hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân. Nhiều hội viên, doanh nghiệp của Hội Thủy sản Việt Nam đã đóng góp, ủng hộ cả về tiền và vật chất cho nhân dân bị ảnh hưởng bão lũ, sát cánh cùng hội viên khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.
Qua báo cáo phản ánh của các tỉnh, Hội Thủy sản, Hội Nghề cá địa phương các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hội viên, Hội Thủy sản Việt Nam xin kiến nghị một số nội dung sau:
Đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chức năng cần thường xuyên thống kê đánh giá kịp thời, đầy đủ tình hình thiệt hại nói chung, trong đó có thiệt hại về ngành thủy sản nói riêng để có biện pháp tháo gỡ trước mắt và lâu dài cho ngành thủy sản.
Nghiên cứu xây dựng các mô hình tái sản xuất cây, con, giống thủy sản trong thời gian ngắn để sau khi bão lũ đi qua, nông ngư dân vùng bị thiệt hại có thể tự sản xuất được tại chỗ trong thời gian ngắn nhất, đáp ứng được nguồn thực phẩm thiết yếu trước mắt để sinh sống.
Hội Thủy sản Việt Nam đề nghị Quỹ nhân đạo Nghề cá Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức hỗ trợ cho những trường hợp có người bị chết, tàu bị hỏng, lồng bè, ao nuôi thủy sản bị bão lũ cuốn trôi ở trên biển cũng như trên bờ để người dân ổn định cuộc sống, sớm khôi phục sản xuất.
Đồng thời, Hội Thủy sản Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật, sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 09/01/2017, về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại trong Cơn bão số 3 (bão YAGI) vừa qua.
Tuy nhiên, theo Hội Thủy sản Việt Nam, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP không đề cập đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân hoạt động khai thác thủy sản. Đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đối tượng là bà con ngư dân khai thác thủy sản một phần chi phí trục vớt tàu thuyền, phương tiện bị chìm đắm do bão gây ra và đối tượng là các tổ chức doanh nghiệp thủy sản bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây nên.
Đối với phát triển nuôi thủy sản trên biển, hiện Chính phủ đã có các quy định cụ thể về giao mặt nước biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy vây, trong thực tiễn triển khai, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính trong giao quyền sử dụng mặt nước biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT, nên doanh nghiệp và người nuôi gặp rất nhiều khó khăn để phát triển nuôi thủy sản trên biển.
Do vậy, Hội Thủy sản Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm giải quyết những vướng mắc này, giúp bà con nuôi trồng thủy sản có đủ căn cứ pháp lý phát triển sản xuất theo đúng định hướng Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021.
Về lâu dài, các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của ngành thủy sản cần được lồng ghép với công tác phòng, chống thiên tai, nhất là cho nhân dân khu vực ven biển nói chung, khu vực ven hồ đập, vùng dễ bị sạt lở nói riêng. Kiến nghị Chính phủ tăng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy sản nhằm đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và đầu tư nạo vét luồng lạch các cửa sông đáp ứng cho hoạt động của tàu cá.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các vùng nuôi tập trung, chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp lại lòng bè nuôi trên các vùng biển để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn, đẩy mạnh tuyên truyền quy hoạch vùng nuôi trên biển, trên bờ để nhân dân không sản xuất ngoài quy hoạch, hay vào vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai… để giảm tối đa thiệt hại cho nhân dân.
Đối với ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cần kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản bị thiệt hại do bão lũ, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khoản vốn vay cho khách hàng bị thiệt hại do Cơn bão số 3 vừa qua theo quy định hiện hành; Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp, các hộ nuôi trồng thủy sản có ao đầm, lông bè bị thiệt hại, những hộ ngư dân có tàu cá bị hư hỏng do va đập, chìm tàu để sửa chữa, mua trang thiết bị, ngư lưới cụ khôi phục sản xuất. Nghiên cứu ban hành cơ chế cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo tạo điều kiện cho ngư dân khôi phục lại sản xuất sau thiệt hại bão, lũ.
Hội Thủy sản Việt Nam và các cấp Hội sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương để tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước, vận động hội viên, ngư dân tiếp tục khắc phục khó khăn, tái sản xuất và ổn định đời sống.
Minh Khuê