THỨ BẢY, ngày 10/5/2025

Hội Thủy sản Việt Nam ký bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Nhật Bản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Thủy sản Việt Nam và Công ty Kunihiro Inc đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác thủy sản giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Ngày 23/4, tại Hiroshima, Nhật Bản, Hội Thủy sản Việt Nam và Công ty Kunihiro Inc – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và chế biến hàu tại Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác dưới sự chứng kiến của đại diện hai bên và các cơ quan liên quan.

Theo nội dung biên bản, hai bên sẽ hợp tác chiến lược nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàu của Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cấp vùng nuôi trồng theo chuẩn xuất khẩu, cải thiện giống và quy trình kỹ thuật phù hợp môi trường biển Việt Nam và chuyển giao công nghệ chế biến, từ làm sạch, cấp đông, đóng gói đến quản lý chất lượng.

Về phát triển thương hiệu, Nhật Bản sẽ cùng xây dựng nhãn hiệu “Hàu Việt Nam – chuẩn Nhật Bản”, đồng thời khuyến khích hình thành thương hiệu riêng của Việt Nam cho thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực thông qua việc tiếp nhận kỹ sư Việt Nam sang Nhật thực tập, học hỏi quy trình và văn hóa sản xuất.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Thủy sản Việt Nam và Công ty Kunihiro Inc đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác thủy sản giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. 

Hội Thủy sản Việt Nam và Công ty Kunihiro Inc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và chế biến hàu. Nguồn: TTXVN

“Đây không chỉ là hợp tác kinh tế mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết lâu dài và bền vững giữa hai quốc gia, mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam”, TS. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong thời gian tới Cơ quan Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối công nghệ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại đất nước mặt trời mọc.

Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1.532 triệu USD, đứng thứ 3 sau Mỹ (1.832 triệu USD) và Trung Quốc (1.729 triệu USD). 

Người tiêu dùng Nhật Bản luôn chú trọng đến sức khỏe và có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tiện lợi. Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, thủy sản là nguồn thực phẩm truyền thống được tiêu dùng phổ biến và được coi là góp phần kéo dài tuổi thọ. 

Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản trong những năm qua vẫn còn hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng.  Một thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đó là hàng rào kỹ thuật mà Chính phủ Nhật Bản đặt ra để kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu vào quốc gia này. 

So với các nước khác, hàng rào kỹ thuật mà Nhật Bản đặt ra khắt khe hơn nhiều do đặc thù tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng. Điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi muốn thâm nhập và mở rộng kinh doanh tại Nhật Bản.

Không chỉ mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật, biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác trong lĩnh vực chế biến hàu còn là dấu hiệu cho thấy quan hệ Việt – Nhật đang bước vào giai đoạn hợp tác cùng phát triển thay vì hỗ trợ một chiều như trước. Hai quốc gia đồng hành trong chuỗi sản xuất – chế biến – xuất khẩu, hướng đến một thị trường toàn cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về truy xuất và chất lượng.

Với tiềm năng hơn 3.000 ha nuôi hàu trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong ngành thủy sản. Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến từ Nhật và điều kiện tự nhiên thuận lợi của Việt Nam hứa hẹn tạo ra những sản phẩm hàu có giá trị cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Đông Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!