(TSVN) – Thảo luận tại Hội nghị sơ kết công tác Hội Thủy sản 6 tháng đầu năm và bàn kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm, các đại biểu cho rằng, Hội cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong công tác tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp IUU.
Sáng 30/7 tại Hà Nội, Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban thường vụ (mở rộng). Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam và ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Sáng 30/7 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban thường vụ (mở rộng) Hội Thủy sản Việt Nam
6 tháng đầu năm, Hội Thủy sản Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới tổ chức hoạt động; Thành lập Tổ phát triển và dịch vụ hội viên để thực hiện thí điểm giai đoạn trước mắt; Kết nạp thêm 1 đơn vị hội viên tập thể. Đến nay, toàn Hội có 85 hội viên tập thể, 6 Hiệp hội chuyên ngành nghề và 31 Hội thủy sản/Hội nghề cá địa phương là Hội thành viên của Hội Thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội còn tham gia, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên, doanh nghiệp và ngư dân, hướng dẫn thực hiện tốt các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Bí thư và các Bộ ngành về IUU.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản về khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ có nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm, chi phí đầu vào cao, giá các loại sản phẩm giảm. Hội Thủy sản Việt Nam cũng đã thường xuyên động viên các hội viên triển khai đẩy mạnh sản xuất góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.
Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam trình bày báo cáo tóm tắt công tác hoạt động của Hội trong 6 tháng qua
Bên cạnh đó, Hội đã chủ động tổ chức các hội thảo chuyên đề, tìm giải pháp để phát triển nuôi trồng thủy sản; đề xuất Bộ NN&PTNT, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giải pháp giải quyết khó khăn cho người nuôi nhất là về nuôi tôm, cá tra. Đáng chú ý, cuối tháng 3 vừa qua, Hội đã phối hợp cùng Tạp chí Thủy sản tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VIETSHRIMP 2024) tại tỉnh Cà Mau, cùng với đó là 4 phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cùng hàng ngàn đại biểu trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Chu Hồi nêu vai trò của đại biểu quốc hội trong giải quyết các vấn đề lĩnh vực thủy sản
Ngoài những nhiệm vụ đã hoàn thành, công tác Hội trong 6 tháng qua cũng gặp một số khó khăn như hoạt động sản xuất kinh doanh của các hội viên, doanh nghiệp còn hạn chế do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, thị trường có sự cạnh tranh gay gắt về giá, nguồn cung nguyên liệu giảm, chi phí sản xuất tăng, giá bán sản phẩm giảm, tiêu thụ chậm, nguồn vốn vay khó khăn,…
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng khai thác thủy sản (Cục Thủy sản) chia sẻ
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng Phòng Khai thác thủy sản đánh giá, thời gian qua, Cục Thủy sản luôn phối hợp chặt chẽ cùng các cấp của Hội Thủy sản Việt Nam để tổ chức tuyên truyền thăm hỏi ngư dân, tham gia chương trình cùng ngư dân thắp sáng đèn biển. Ông Hải đề xuất thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt là công tác tuyên truyền giúp ngư dân tuân thủ pháp luật để có thể sớm gỡ được thẻ vàng trong tháng 10 tới đây.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư) phát biểu
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng Phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư) cho biết, hiện nay cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc để chống đánh bắt và khai thác thủy sản bất hợp pháp. Cục Kiểm ngư rất mong muốn Hội Thủy sản sẽ là cánh tay nối dài của Cục, qua đó phát huy vai trò của mình tuyên truyền hiệu quả các chính sách thực thi pháp luật tới từng ngư dân và gia đình của họ, đặc biệt với nhóm tàu cá có nguy cơ vi phạm ở vùng biển nước ngoài, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chung của toàn ngành là sớm gỡ thẻ vàng.
Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng hoan nghênh tinh thần tham gia cũng như đóng góp ý kiến tích cực từ các đại biểu, các đơn vị quản lý ngành, các hội thành viên. Đây sẽ là cơ sở để Ban thường vụ Hội rà soát, bổ sung, tổng kết lại các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm, qua đó sẽ góp phần phát huy thực sự vai trò của Hội đối với sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, Hội sẽ luôn là điểm tựa vững chắc, là cánh tay nối dài, hiệu quả, đắc lực của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng cũng đề nghị Ban Thư ký Hội sẽ sớm tập hợp các nội dung này thông qua văn bản cụ thể. Liên quan đến nhiệm vụ đồng quản lý mà Bộ NN&PTNT giao cho Hội tham gia thực hiện cùng Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư, ông Thắng đề nghị các đơn vị tham gia cần có kế hoạch triển khai cụ thể.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Hội Thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố và phát triển thêm nhiều Hội viên tập thể là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời phản đối các các hành vi xâm phạm đến lợi ích của ngư dân, hành động cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của ngư dân và doanh nghiệp. Kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ và hỗ trợ ngư dân khi hoạt động sản xuất trên biển, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản nghiên cứu tổ chức mô hình đồng quản lý trong nghề cá nhằm đổi mới tư duy và thúc đẩy sự phát triển thủy sản; Tham gia đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các chương trình, dự án, hoạt động tư vấn, phản biện, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế,…
Thùy Khánh